Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu tham dự Lễ động thổ Dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao Hà Giang của tập đoàn TH tại xã Phong Quang (huyện Vị Xuyên, Hà Giang) chiều 27.11
Đất nghèo sẽ nở hoa
Cách thành phố Hà Giang 10km, xã Phong Quang (Vị Xuyên – Hà Giang) nằm lọt thỏm trong thung lũng, xung quanh là núi đá trập trùng. Chị Lưu Thị Thu Hiền - Chủ tịch Hội đồng thành viên Dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao Hà Giang kể, những ngày đầu đội dự án đến đây khảo sát, bà con rất lạ lẫm, ngạc nhiên, ai cũng tò mò hỏi làm sao mà TH lại lên mãi nơi rừng rú heo hút, toàn núi đá này làm dự án? Ở đây liệu có xây được trang trại bò sữa không?
“Nhưng khi đặt chân đến đây, thấy núi, thấy sông, thấy đất đai thung lũng, người dân lại thân thiện, khí hậu thuận lợi hơn rất nhiều so với ở Nghệ An, chúng tôi thấy như được tiếp thêm sức mạnh” – chị Hiền nói.
Nhà ở cách địa điểm tổ chức lễ động thổ dự án của tập đoàn TH khá xa nhưng mẹ con chị Thèn Thị Quỳnh (dân tộc Nùng) đã đến từ rất sớm để xem lễ động thổ. Chị Quỳnh chia sẻ, chưa bao giờ ở xã nghèo này có một sự kiện lớn như vậy. Chị nghe nói, Thủ tướng sẽ đến làm lễ động thổ trang trại bò sữa ở đây nên rất vui và phải đến xem bằng được. 22 tuổi và có con trai đã 4 tuổi, nhưng chị Quỳnh vẫn quanh quẩn ở nhà trông con và làm nương, rẫy. Kinh tế gia đình khó khăn, nhiều lúc chị Quỳnh chỉ muốn để con ở nhà, lên thành phố tìm việc làm nhưng vì trình độ thấp, tay nghề không có nên chị sợ.
“Mình nghe nói sau này có trang trại bò sữa của TH ở đây, nhiều người trẻ sẽ có cơ hội được nhận vào làm công nhân trong trang trại vừa có công ăn việc làm ổn định lại được gần gia đình. Nếu không đủ trình độ làm công nhân thì có thể ở nhà trồng cỏ, trồng ngô và cây dược liệu bán cho công ty cũng sẽ có thu nhập, mình rất vui!” – chị Quỳnh chia sẻ.
Được biết xã Phong Quang có hơn 600 hộ dân nhưng có đến hơn 100 hộ thuộc diện nghèo, cận nghèo. Trong xã có tới 12 dân tộc thiểu số cùng sinh sống, trong đó có dân tộc Hán, Nùng, Kinh, Tày, Cờ lao, Bố y.... Ngoài số ít thanh niên học hết cấp 2, cấp 3 rời làng bản đi làm công nhân ở thành phố thì hầu hết người dân trong xã đều làm nông nghiệp, thu hoạch bấp bênh vụ được, vụ mất.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, bà Thái Hương- Chủ tịch HĐQT tập đoàn TH và các đại biểu thực hiện các nghi thức động thổ
Chia sẻ về những khó khăn, chị Hoàng Xuân Thủy – Chủ tịch Hội phụ nữ xã cho biết: “Từ trước đến nay, cũng có nhiều dự án trồng trọt được triển khai ở xã như trồng dứa, trồng mía, trồng rong giềng,... không hiệu quả. Bao nhiêu năm nay, người dân vẫn loay hoay không biết phải làm gì trên vùng đất khó khăn này để có kinh tế ổn định. Khi biết tập đoàn TH về đây làm dự án trang trại bò sữa, ban đầu mọi người khá hoang mang, không biết liệu với khí hậu và đất đai như thế TH có làm được không? Nhưng rồi được nghe giải thích, được tận mắt tham quan trang trại bò sữa ở Nghệ An, mọi người mừng và hi vọng rất nhiều”.
Nét vẽ thứ 2 trên bản đồ sữa
Sự đồng lòng của người dân Hà Giang chính là viên gạch đầu tiên và quan trọng nhất cho việc bắt đầu Dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao và phát triển vùng dược liệu với tổng số vốn lên tới hơn 4.500 tỷ đồng của tập đoàn TH.
Riêng dự án chăn nuôi bò sữa có tổng vốn đầu tư dự kiến là 2.500 tỷ đồng. Diện tích đất dự kiến sử dụng cho dự án là 663 ha vùng lõi và hơn 2.000 ha vùng đệm. Quy mô đàn bò sữa là 10.000 con.
Ông Nguyễn Quang Phi Tín – Giám đốc dự án của Tập đoàn TH cho biết, TH hi vọng dự án này sẽ cung cấp một lượng lớn sữa tươi sạch, nguyên chất có chất lượng cao nhằm đáp ứng nhu cầu sữa tươi trong nước và xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Khi dự án đi vào hoạt động dự kiến sẽ cần sử dụng hơn 500 lao động trực tiếp, đồng thời khi dự án hoạt động ổn định hàng năm Công ty sẽ đóng góp rất lớn vào Ngân sách Nhà nước. Dự kiến doanh thu 01 năm khoảng hơn 900 tỷ đồng.
Từ vùng đất gian khó sẽ thành hình trang trại bò sữa công nghệ cao, áp dụng nông nghiệp thông minh 4.0
“Hiện dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa của tập đoàn TH đang được triển khai trải dài từ Hà Giang đến Thanh Hóa, Phú Yên, Sóc Trăng... Chúng tôi sẽ vẽ lại “bản đồ sữa tươi” của Việt Nam, sau thành công của dự án tại Nghệ An thì Hà Giang sẽ là nét vẽ thứ hai tiếp nối” – ông Tín tự tin cho biết.
Phát biểu trong lễ động thổ dự án, bà Thái Hương – Chủ tịch HĐQT tập đoàn TH chia sẻ: “Vị Xuyên, Hà Giang là mảnh đất còn rất khó khăn. Khi tôi đặt chân đến đây, những cảm xúc của 7 – 8 năm trước lúc bắt đầu xây dựng những viên gạch đầu tiên cho trang trại bò sữa ở Nghệ An lại trỗi dậy. Tôi biết sẽ còn nhiều khó khăn nhưng cứ có đất, tôi sẽ đưa công nghệ cao, chuẩn chỉ vào để sản xuất những ly sữa tươi sạch cho mọi trẻ em Việt Nam để phát triển chiều cao cân nặng, sau đó mới là xuất khẩu”
Tại Việt Nam, tập đoàn TH được biết tới là nhà cung cấp sữa tươi sạch hàng đầu trong nước và vươn tầm quốc tế. Khởi dựng Dự án “Chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung quy mô công nghiệp công nghệ cao” từ năm 2009 tại Nghệ An, tới nay TH đã sở hữu trang trại bò sữa tập trung công nghệ cao lớn nhất Châu Á với quy mô đàn bò 45.000 con; nhà máy chế biến sữa công suất giai đoạn 1 đạt 200.000 tấn/năm. Sản phẩm sữa mang thương hiệu TH true MILK của tập đoàn TH đã chiếm hơn 40% thị phần trong phân khúc sữa tươi thị trường Việt Nam. |