Đại gia xăng dầu, đóng tàu mê làm sân golf
CTCP Đầu tư Phát triển Trường An cùng doanh nhân Trần Văn Dĩnh (SN 1970) được biết đến chủ yếu trong lĩnh vực đóng tàu và xăng dầu.
Theo tìm hiểu, Trường An thành lập vào năm 2004, trụ sở tại thị trấn Cát Thành, huyện Trực Ninh, Nam Định. Hoạt động chính của công ty là vận tải hàng hóa đường thủy nội địa, cho thuê máy móc, kinh doanh bất động sản, đóng tàu biển…. Tính đến tháng 12/2020, vốn điều lệ Trường An đạt 679 tỷ đồng, trong đó ông Trần Văn Dĩnh là cổ đông lớn nhất, nắm 80% vốn công ty.
Không có nhiều thông tin về hoạt động của Trường An. Một số tờ báo địa phương cho biết, năm 2017, đại gia Trần Văn Dĩnh cùng 2 cá nhân khác đã đầu tư 20-70 tỷ đồng đóng tàu vận tải lớn có tải trọng từ 2.000-5.500 tấn để tham gia thị trường vận tải biển xuyên quốc gia. Ngoài ra, ông Trần Văn Dĩnh còn đầu tư hàng trăm tỷ đồng thành lập doanh nghiệp đóng mới các phương tiện vận tải thủy tại Cụm công nghiệp (CCN) Cát Thành với tổng diện tích 8ha.
Không những đóng tàu, Trường An còn tham gia lĩnh vực xăng dầu khi là 1 trong 33 doanh nghiệp xăng dầu đầu mối. Hồi tháng 5/2022, Sở Công Thương cho biết đang tích cực hỗ trợ gấp rút hoàn hiện thủ tục pháp lý để trình UBND tỉnh Nam Định cho phép Trường An xây dựng thêm kho chứa xăng dầu tại địa bàn huyện Hải Hậu.
Ông Trần Văn Dĩnh hồi năm 2016 còn góp 51,020% vốn sáng lập CTCP Kinh doanh Xăng Dầu Thịnh Phát, cùng 2 cá nhân là Trần Văn Hạ (18,367%) và Phạm Thanh Tùng (30,612%).
Sinh năm 1984, ông Trần Văn Hạ còn là Người đại diện theo pháp luật, kiêm Giám đốc, và từng là chủ Công ty TNHH Kinh doanh Xăng dầu Trực Ninh (thành lập năm 2004).
Trường An bén duyên với lĩnh vực sân golf từ năm 2015 khi quyết định đầu tư xây dựng sân golf và khu dịch vụ nghỉ dưỡng tại huyện Kim Bảng, tỉnh Quảng Nam. Đây là dự án sân golf 36 lỗ, quy mô 198ha, tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng.
Sân golf Kim Bảng sau đó vào tháng 4/2016 được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung vào Quy hoạch phát triển sân golf quốc gia. Sau đó, tháng 5/2016, UBND tỉnh Hà Nam đã phê duyệt Quy hoạch chi tiết bản đồ xây dựng sân Golf Kim Bảng với tỷ lệ 1/500. Dự án này nằm trong quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch trọng điểm quốc gia Tam Chúc, được xác định là một trong 6 khu chức năng của khu du lịch, nơi sẽ tổ chức các giải thi đấu thể thao quốc gia và khu vực, nghỉ dưỡng, chơi golf, tham gia các hoạt động ngoài trời.
Đến năm 2017, Trường An đã tiến hành nghiên cứu, khảo sát, và lập quy hoạch xây dựng với quy mô 36 lỗ, diện tích 162,76ha, tổng mức đầu tư trên 1.200 tỷ đồng, tại xã Phúc Trìu, TP. Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên.
Hồi tháng 2/2020, CTCP Golf Trường An (công ty do Trường An nắm 50%, ông Trần Văn Dĩnh nắm 20%) đã có hồ sơ đề xuất gửi UBND tỉnh Thái Nguyên về việc thực hiện dự án sân golf Hồ Núi Cốc tại xã Phúc Xuân và xã Phúc Trìu, TP. Thái Nguyên. Dự án có tổng mức đầu tư 956 tỷ đồng, trong đó vốn tự có của nhà đầu tư 191 tỷ đồng, vốn huy động hợp pháp khác là 756 tỷ đồng. Khu đất được đề xuất xây dựng có diện tích khoảng 130,6ha, gồm: Đất dành cho quy hoạch sân golf khoảng 123 ha; đất dành cho vùng bảo vệ cảnh quan và dự trữ phát triển khoảng 7,66 ha.
Ngoài ra, Golf Trường An còn là chủ đầu tư dự án sân golf Việt Yên (tỉnh Bắc Giang). Đây là dự án sân golf 36 lỗ. Diện tích khu đất là 140ha. Vốn đầu tư 1.214 tỷ đồng, thời hạn hoạt động 50 năm. Như từng đề cập , hồi tháng 6/2020, thay mặt Thủ tướng, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã kí các quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư sân golf Việt Yên.
Tiềm lực của Trường An Group
Giai đoạn 2018 – 2020 ghi nhận doanh thu Trường An khá tích cực khi tăng trưởng bình quân hơn 121%/năm, trong đó doanh thu năm 2020 đạt đỉnh 3.002 tỷ đồng.
Tuy vậy, sau khi trừ đi các chi phí, doanh nghiệp này liên tục lỗ. Theo đó, công ty lỗ 8,1 tỷ đồng năm 2018; lỗ 13,9 tỷ đồng năm 2019; và tiếp tục lỗ 202 tỷ đồng năm 2020.
Với kết quả kinh doanh chưa thật hiệu quả, vốn chủ sở hữu Trường An tại ngày 31/12/2020 chỉ vỏn vẹn 433,3 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với mức vốn điều lệ 679 tỷ đồng.
Tổng tài sản công ty tại cuối năm 2020 là 2.204,3 tỷ đồng, tăng 66,1% so với số đầu năm. Nợ phải trả 1.771 tỷ đồng, tăng gấp 2,2 lần và chiếm 80,3% tổng nguồn vốn.