Tảo biển sargassum tạo nên những tảng rong tảo khổng lồ trên Đại Tây Dương. Các nhà khoa học theo dõi sự tích luỹ này suốt từ năm 2011, nhưng khối tảo năm nay cực kỳ lớn, bao phủ khắp vùng biển dài hơn 8.000km, từ bờ biển châu Phi đến tận Vịnh Mexico.
TS Brian Lapointe, nhà nghiên cứu tại Viện Hải Dương học thuộc ĐH Florida, cho biết, sargassum hình thành sớm và kích thước tăng gấp đôi trong thời gian từ tháng 12 năm ngoái đến tháng 1 năm nay, với mức độ bao phủ chưa từng thấy kể từ năm 2011.
“Đây là hiện tượng đại dương hoàn toàn mới, tạo ra vấn đề thật sự nghiêm trọng đối với du lịch ở vùng Ca-ri-bê, khi chúng chất đống trên bãi biển với độ cao đến 2m”, TS Lapointe nói.
Tảo biển gây ra tình trạng ô nhiễm khi dạt vào bờ biển
Sargassum là tên gọi chung của hơn 300 loài tảo nâu. Khi trôi trên biển, chúng có những tác động tích cực đối với cuộc sống đại dương, trở thành nguồn thực phẩm và bảo vệ cá, động vật có vú, chim, cua…
Tuy nhiên, khi phát triển quá nhanh, sargassum khiến hàm lượng ô xy trong nước giảm đi, tạo nên tình trạng thường được gọi là vùng chết. Khi dạt vào bờ biển, chúng chất thành những đống khó di chuyển và gây ra mùi như trứng thối.
Sargassum cũng nguy hiểm với con người. Hydro sunphua toả ra từ tảo thối gây ra những vấn đề hô hấp. Chúng còn chứa asen, gây nguy hiểm nếu ăn phải hoặc dùng làm phân bón.
Theo CNN