Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 kỳ vọng đưa vùng Đông Nam bộ giữ vai trò quan trọng trong liên kết phát triển với các vùng kinh tế khác, là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, dịch vụ, giáo dục - đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học- công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số hàng đầu cả nước và khu vực Đông Nam Á.
Theo các nhà khoa học, phát triển vùng Đông Nam bộ nhiều tiềm năng nhưng cũng nhiều thách thức. Để đạt được kỳ vọng đó, vùng này phải được từng bước khơi thông các điểm nghẽn về thể chế, kết nối, hạ tầng…
Vùng Đông Nam Bộ thiếu kết nối chuỗi cung ứng
Cần hạ tầng dữ liệu làm căn cứ gỡ các điểm nghẽn
Vùng Đông Nam Bộ bao gồm TP.HCM và 5 tỉnh lân cận Bà Rịa- Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh là vùng có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng, an ninh của cả nước. Vùng cũng được kỳ vọng thực hiện mạnh mẽ đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, thay đổi công nghệ. Từ trước tới nay, vùng này nằm trong Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng TP.HCM. Tuy nhiên, đến thời điểm này, cả 3 vùng trên đều chưa hình thành cơ sở dữ liệu dùng chung.
Theo nhiều nhà khoa học, chuyên gia kinh tế, mỗi khi cần nghiên cứu để khuyến nghị chính sách cho vùng, việc tìm dữ liệu vùng là rất khó khăn và thường thì phải tự tổng hợp bằng nhiều nguồn. PGS.TS Nguyễn Trọng Hoài, Đại học Kinh tế TP.HCM cho biết, những vấn đề thuộc kết nối vùng đang có những thách thức. Cụ thể như kết nối quản trị vùng về nguồn nước, thượng nguồn và hạ nguồn đang có vấn đề; kết nối chuỗi cung ứng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc cũng đang có vấn đề và kết nối vùng về mặt dữ liệu là hoàn toàn chưa có, dữ liệu thống kê của vùng tập hợp rất khó.
Cùng chung băn khoăn về cơ sở dữ liệu của vùng, bà Võ Thị Trung Trinh, Phó Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM cho rằng, trong điều kiện công nghệ phát triển, chuyển đổi số và nhiều công việc chuyển sang trực tuyến như hiện nay, từng địa phương đã từng bước tạo lập cơ sở dữ liệu của mình nên việc hình thành dữ liệu dùng chung không khó. Cái chính là, các tỉnh thành trong vùng phải mở và chia sẻ dữ liệu, cùng nhau thực hiện. Thực tế hiện nay cả nước, cả vùng và từng tỉnh, thành đều đang thực hiện chuyển đổi số và khó khăn lớn nhất là chưa có cơ sở dữ liệu hoàn chỉnh, chưa được mở để người dân và doanh nghiệp có thể khai thác.
“Muốn chuyển đổi số nhưng không có cơ sở dữ liệu sẽ không thể thực hiện được. Điều quan trọng trong câu chuyện tạo lập dữ liệu là phải mở dữ liệu, vì nếu không mở thì các Viện, trường, tổ chức, DN sẽ không có dữ liệu. Trong khi dữ liệu từ các cơ quan quản lý nhà nước là hết sức quan trọng, phải thực hiện mở vì đây điều kiện để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hình thành các DN khởi nghiệp”, bà Trinh nêu.
Bà Võ Thị Trung Trinh, Phó Giám đốc Sở Thông tin- Truyền thông TP.HCM đề xuất sớm hình thành cơ sở dữ liệu vùng. Ảnh: UEH.
Đồng thời, các nhà khoa học cũng đề xuất sớm thành lập Hội đồng vùng Đông Nam bộ với “thể chế vượt trội”. Hội đồng vùng có những quyền về thu hút đầu tư vùng và triển khai các dự án hạ tầng cho toàn vùng; những vấn đề liên quan đến môi trường, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc; vấn đề liên quan đến năng suất chung, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của toàn vùng…tránh trùng lặp, chồng chéo gây lãng phí tiềm năng và làm giảm sức cạnh tranh của các địa phương trong vùng.
Gỡ điểm nghẽn để thúc đẩy tăng trưởng
Nhiều nhà khoa học, chuyên gia kinh tế chỉ ra các điểm nghẽn hiện nay của Vùng Đông Nam bộ. Đó là tỷ lệ lao động có kỹ năng thấp, chỉ chiếm 25% - xấp xỉ bằng mức trung bình của cả nước; chi cho nghiên cứu và phát triển của các tỉnh trong vùng (trừ TP.HCM) ở mức dưới 0,1% GRDP là quá thấp; quản trị vùng chưa tốt trong kết nối chuỗi cung ứng, giao thông, quản lý nguồn nước; thu ngân sách gần 50% của cả nước nhưng chi ngân sách chỉ được 10%, dẫn đến khó khăn về nguồn lực cho sự phát triển của vùng…
Ngoài ra, hạ tầng giao thông của vùng chưa được phát triển đồng bộ, tỷ lệ đô thị hóa cao của vùng với phần lớn lao động nhập cư đang đặt ra rất nhiều thách thức về cơ sở hạ tầng, trong bối cảnh thiếu hụt nguồn vốn đầu tư công và khó khăn trong quá trình triển khai giải phóng mặt bằng.
TS. Trần Du Lịch - thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, trong quy hoạch đang triển khai từng bước, ngoài các đường vành đai thì còn có hệ thống đường sắt đô thị, hệ thống đường thủy gắn với cảng biển…dần hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối vùng. Hiện vùng cần có cơ chế để tạo nguồn lực xây dựng hạ tầng.
“Vấn đề là thiếu nguồn lực nên các địa phương trong vùng đang xin cơ chế dọc, theo cao tốc sắp mở và đường sắt nội đô cho phép thực hiện mô hình TOD - tức là giao thông kết nối đô thị, để khai thác quỹ đất đầu tư hạ tầng. Ngoài ra, cần nghiên cứu để vùng có một quỹ đầu tư hạ tầng chung khi có giao thông kết nối vùng mới phát triển được”, TS. Trần Du Lịch nêu rõ.
TS Trần Du Lịch trao đổi với các nhà khoa học về các điểm nghẽn trong phát triển Đông Nam bộ.
Trình độ công nghệ của các địa phương trong vùng, hoạt động đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ trong thời gian qua mặc dù đã được nâng lên nhưng vẫn còn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển và chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của vùng.
Theo GS.TS. Võ Thanh Thư, chuyên gia nghiên cứu về vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng Đông Nam bộ, các cơ chế chính sách hiện nay chưa tạo thuận lợi cho các tỉnh, thành Đông Nam bộ liên kết với nhau để có những chiến lược, dự án, quy hoạch phát triển chung về khoa học công nghệ.
“Khi xây dựng thể chế chính sách, đề nghị đưa công nghệ 4.0, bigdata vào xử lý các vấn đề vùng, tránh trùng lắp, xung đột giữa các văn bản với nhau. Vì thực tế thời gian qua có nhiều vấn đề trùng lắp”, bà Thu đề xuất.
Những điểm nghẽn về thể chế, liên kết mọi mặt, dữ liệu chung, nguồn lực đầu tư hạ tầng, phát triển khoa học công nghệ…đang tác động trực tiếp đến phát triển của vùng Đông Nam bộ, rõ nhất là tốc độ tăng trưởng kinh tế đang chậm dần và có xu hướng giảm.
Để mục tiêu đề ra trong Nghị quyết số 24- NQ/TW ngày 7/10/ 2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 154/NQ- CP ngày 23/11/2022 của Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 24- NQ/TW thành hiện thực, đưa Đông Nam Bộ trở thành vùng phát triển năng động, bền vững thì các điểm nghẽn này phải được tháo gỡ.