Tuy nhiên, về phân khúc thị trường TP hiện chỉ mới có TP chính phủ (TPCP) có sự tăng trưởng nhanh, còn TPDN kênh huy động vốn cho các DN để phát triển sản xuất kinh doanh, vẫn còn hạn chế vì nhiều vấn đề.
Quy mô còn hạn hẹp
Năm 2018, tổng khối lượng phát hành TPCP là 196.797 tỷ đồng. Trong số đó có 171.797 tỷ đồng được phát hành thông qua đấu thầu, đạt gần 86% so với kế hoạch huy động chưa điều chỉnh công bố đầu năm 2018 (200.000 tỷ đồng) và đạt 98% so với kế hoạch huy động đã điều chỉnh vào đầu tháng 10-2018 (175.000 tỷ đồng).
2019-2020 được đánh là thời điểm tạo động lực mới để vừa tạo cơ hội, vừa tạo sức ép để thị trường phát triển. Vì nếu DN không phát hành TP sẽ không đủ vốn, đặc biệt là vốn dài hạn để đầu tư phát triển khi NHNN siết tín dụng.
Năm 2019, Kho bạc Nhà nước dự kiến phát hành 260.000 tỷ đồng TPCP, và trong quý I đã đấu thầu thành công gần 69.469 tỷ đồng so với kế hoạch ban đầu 73.500 tỷ đồng, hoàn thành 94,5% kế hoạch quý và gần 27% kế hoạch năm.
Trái với sự sôi động suốt các năm qua của TPCP, thị trường TPDN mới nhộn nhịp hơn trong năm 2018. Giai đoạn năm 2010-2014, khối lượng phát hành TPDN hàng năm dao động trong khoảng 25.000-30.000 tỷ đồng, đến năm 2016 quy mô TPDN mới đạt khoảng 2,5% GDP.
Đến năm 2018, TPDN bứt tốc khi có đến 107 thương vụ phát hành TPDN của các công ty niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán với khối lượng phát hành thành công là 224.000 tỷ đồng, tăng 94,5% so với năm 2017.
Theo đó, dư nợ thị trường TPDN đã đạt mức 474.500 tỷ đồng, bằng 8,6% GDP năm 2018 và tăng 53% so với cuối năm 2017. Dù vậy, so với TPCP, quy mô TPDN vẫn còn khá nhỏ và số lượng DN phát hành chiếm tỷ lệ không đáng kể nếu so với 700.647 DN đang hoạt động (tại thời điểm cuối năm 2017) và khoảng hơn 1.565 DN niêm yết trên HNX, HOSE và UPCoM.
Theo các chuyên gia, ở thị trường tài chính phát triển, tỷ lệ TPCP và TPDN thường không chênh lệch quá nhiều, nhưng ở Việt Nam chênh lệch này lại rất lớn, phản ánh sự chi phối của TPCP trên thị trường TP. Theo TS. Hà Huy Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy Ban Giám sát tài chính Quốc gia, sự phát triển của thị trường TPDN hiện vẫn còn nhiều hạn chế, chưa thực hiện tốt vai trò là kênh cung cấp vốn cho các DN.
NHTM vẫn làm chủ thị trường
Tại thời điểm này, việc đẩy mạnh phát triển các DN nội địa đang là vấn đề cực kỳ quan trọng, nhằm đẩy mạnh sản xuất trong nước, tăng xuất khẩu, nâng cao công nghệ kỹ thuật, tiến lên nền công nghiệp sản xuất.
Phát hành TPDN càng cần thiết hơn khi thị trường cổ phiếu trên TTCK trong những năm gần đây chịu áp lực quốc tế, trở nên giới hạn về nhiều mặt trong việc cung cấp vốn cần thiết cho các DN muốn xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển lâu dài.
Hiện nay cơ cấu TPDN phát hành còn bất cập, chủ yếu được phát hành theo hình thức riêng lẻ, chiếm tới gần 99% khối lượng phát hành toàn thị trường. Trong khi chỉ chiếm khoảng 12% tại Mỹ, 10% tại Đức, từ 0,4-15% tại Hàn Quốc. |
Trong báo cáo triển khai nhiệm vụ phát triển TTCK năm 2019, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết các tổ chức phát hành năm 2018 chủ yếu đến từ ngành bất động sản, NH, dịch vụ tài chính, xây dựng và vật liệu.
Về cấu trúc, 60 DN thuộc danh mục TPDN được CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) theo dõi chỉ có 14 DN thuộc lĩnh vực sản xuất, 12 DN bất động sản, 8 DN xây dựng, 7 NHTM, 5 DN tài chính/chứng khoán, còn lại là các DN trong ngành nông nghiệp, dược phẩm và các ngành khác. Về quy mô phát hành, ngành NH chiếm tỷ trọng cao nhất 26,7%, bất động sản đứng thứ 2 với 21,6%, sản xuất chiếm 13,8%, nông nghiệp chiếm 12,9% và xây dựng 12,7%.
Để so sánh về lượng phát hành ghi nhận trong tháng 12-2018 ở nhóm NH, BIDV đã phát hành thành công ra công chúng hơn 4.500 tỷ đồng TP kỳ hạn 7 năm và 10 năm, ACB phát hành riêng lẻ 2.200 tỷ đồng kỳ hạn 10 năm, Vietinbank phát hành 100 tỷ đồng, Vietcombank phát hành 146 tỷ đồng.
Trong khi đó, ở nhóm ngành khác chỉ có Vingroup phát hành 2.000 tỷ đồng; Tiến Bộ Group phát hành 300 tỷ đồng kỳ hạn 2 năm, và Công ty chứng khoán TPHCM phát hành 485 tỷ đồng kỳ hạn 3 năm.
Có thể nói, thị trường vốn tại Việt Nam cho đến nay vẫn chủ yếu là sân chơi của các NH. Ngay cả TPCP, NHTM vẫn là nhóm nắm thị phần lớn. Còn ở vị trí trung gian tài chính, các NHTM đang cấp tín dụng với tỷ lệ trên 75% nhu cầu vốn của nền kinh tế, trong khi TTCK chỉ chiếm khoảng 15% và số còn lại đến từ các công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư. Trong mảng TPDN, NH không chỉ phát hành quy mô lớn mà còn đóng vai trò là khách hàng lớn.
Điều này thể hiện rõ trên những con số báo cáo tài chính những năm trước và năm 2018, NHNN chính thức phải siết lại bằng Thông tư 15, yêu cầu các NH kiểm soát chặt hoạt động mua TPDN, đặc biệt là TP phát hành với mục đích thực hiện các chương trình, dự án thuộc các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; không được mua TPDN phát hành trong đó có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của DN…
Minh bạch là chìa khóa
Hiện hành lang pháp lý liên quan cũng đã được cải thiện đáng kể thông qua Nghị định 163/2018/NĐ-CP về phát hành TPDN, thay thế cho Nghị định 90/2011/NĐ-CP. Theo đó, các điều kiện về phát hành đã được nới lỏng hơn, các quy định liên quan đến hồ sơ phát hành TP đã được hoàn thiện theo hướng rõ ràng, thuận tiện cho các DN trong triển khai thực hiện.
Dư nợ thị trường TPDN thấp hơn nhiều so với mức bình quân của các nước trong khu vực. Điều này khiến cho việc cung ứng vốn dài hạn nền kinh tế tiếp tục gặp nhiều thách thức và rủi ro mất cân đối kỳ hạn nguồn vốn của khu vực NH cũng gia tăng hơn.
Về tổ chức hỗ trợ định giá đã có các công ty nước ngoài, nhưng do chi phí cao nên chỉ có những tập đoàn lớn mới đủ chi phí để thuê, còn các công ty định giá trong nước lại không đủ uy tín, không đủ niềm tin để phát hành TPDN thuận lợi.
Theo TS. Hà Huy Tuấn, Chính phủ đã có Nghị định liên quan đến phát hành TPDN và giao Bộ Tài chính nghiên cứu và thành lập công ty định giá tín nhiệm, và cần làm càng sớm càng tốt. Một trong những cách hình thành nhanh các công ty này có thể tham khảo để áp dụng là khuyến khích mô hình liên doanh trong và ngoài nước để DN nước ngoài chuyển giao công nghệ vào các công ty liên doanh này sớm phát triển.
Tuy nhiên, bên cạnh câu chuyện cơ chế chính sách, một phần quan trọng nữa là vấn đề công bố thông tin, minh bạch thông tin cũng đang được bàn đến khá nhiều.
Theo TS. Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Phát triển, giảng viên chính sách công của Đại học Fulbright Việt Nam, Việt Nam đang giảm dần tăng trưởng tín dụng, giảm gánh nặng vốn lên vai các TCTD, và đẩy mạnh phát triển thị trường vốn, thị trường vốn không chỉ có cổ phiếu mà còn TPDN. Khi đó, vai trò của NHTM sẽ chuyển sang làm tư vấn, kiến tạo thị trường.
Muốn vậy, DN phải đối mặt với yêu cầu công bố thông tin ra thị trường để thực sự phát hành được TPDN. TP đó không phải do NH nắm giữ mà là các quỹ đầu tư, các nhà đầu tư nhỏ lẻ cũng có thể nắm giữ và sau đó có thể trao đổi mua bán trên thị trường thứ cấp.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc OCB, kể cách đây 4 năm OCB đã áp dụng lập báo cáo tài chính theo chuẩn mực quốc tế (IFRS), theo yêu cầu của một số nhà đầu tư nước ngoài để NH vay vốn. Cuối năm 2018, NH chuẩn bị chương trình quảng bá cho nhà đầu tư nước ngoài để sẵn sàng cho việc niêm yết trong năm nay.
Ban đầu khách hàng yêu cầu rất phức tạp, nhưng sau đó chỉ cần NH đã có hệ thống IFRS hay chưa, không cần phải xuất trình thêm nhiều nội dung chi tiết. Câu chuyện này đã nói rõ lợi ích của sự minh bạch thông tin chuẩn quốc tế.
Trong khi tại Việt Nam, việc áp dụng các chuẩn mực quốc tế của DN như vậy vẫn chưa được thực hiện trên diện rộng. Chỉ riêng chuẩn mực đơn thuần là chuẩn mực kế toán đang áp dụng tại Việt Nam, lần thay đổi gần nhất là cách đây hơn 10 năm, và trong quá trình áp dụng không có cập nhật, trong khi thế giới bây giờ đã thay đổi rất nhiều.