Sau khi bộ đôi xe điện của VinFast ra mắt tại Triển lãm xe ô tô Los Angeles, Mỹ, BlackRock và quỹ đầu tư nhà nước của Qatar (QIA) đã đàm phán rót tới 1 tỷ USD vào Vinfast. Nếu nhận được khoản đầu tư này, Vinfast sẽ có thêm sự tự tin và nguồn lực để thực hiện mục tiêu vươn ra toàn cầu trong lĩnh vực xe điện. Đồng thời, điều này cũng cho thấy tiềm năng thu hút vốn đầu tư nước ngoài của các hãng xe điện Việt Nam.
Được biết, các quỹ đầu tư lớn của Mỹ và Châu Âu đang quan tâm nhiều hơn đến các lĩnh vực phát triển xanh, phát triển bền vững như năng lượng sạch, năng lượng tái tạo… để hướng tới mục tiêu giảm mức phát thải, hạn chế sự nóng lên của Trái đất. Trong bối cảnh đó, khu vực châu Á đang nổi lên là một thị trường tiềm năng khi các doanh nghiệp trong khu vực đang chạy đua để nắm bắt cơ hội hút vốn đầu tư nước ngoài. Đây sẽ là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp xe điện Việt Nam nói chung và Vinfast nói riêng.
Đề xuất giải pháp giải quyết 2 điểm nghẽn của ngành công nghiệp ô tô
Mặc dù vậy, vẫn còn nhiều hạn chế để thị trường xe điện phát triển tại Việt Nam. Ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương chỉ ra, ngoài sự hạn chế về hạ tầng thì chính sách khuyến khích phát triển xe điện tại Việt Nam hầu như chưa có. Xe điện đến nay mới chỉ nhận được ưu đãi về thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt, thấp hơn so với xe chạy xăng/dầu thông thường. Do đó, Việt Nam cần nhanh chóng có chính sách khuyến khích, như miễn thuế, phí, ưu đãi lãi suất ... để mở ra cơ hội thu hút thêm nguồn vốn đầu tư vào các doanh nghiệp trong lĩnh vực này.
Ngoài ra, ông Triệu Việt Phương, Phó Viện trưởng Viện Tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam cho rằng, để mở rộng phát triển của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp và kinh doanh xe điện ở trong nước, cần sớm hoàn thiện hệ thống các tiêu chuẩn Việt Nam. Bởi, hệ thống này đang thiếu về yêu cầu kỹ thuật cho các thiết bị thuộc cơ sở hạ tầng phục vụ xe điện như: hệ thống trạm sạc, hệ thống sạc nhanh, trạm đổi pin…