Giám đốc kiêm cầm đầu đường dây này là Trần Đình Quảng, SN 1988, trú ở Hải Đông, Hải Hậu, Nam Định. Mặc dù trụ sở chính ở Dương Quảng Hàm, Quan Hoa, Cầu Giấy, Hà Nội nhưng Quảng đã “tiến” về Bắc Ninh, thành lập hàng loạt chi nhánh tại các khu công nghiệp để cho công nhân vay lãi suất cao.
Theo đó, tại các chi nhánh của Công ty Đại An, khi người có nhu cầu đến vay tiền, các đối tượng đã đưa ra giá cho vay với mức lãi suất từ 5.000đ/triệu/ngày đến 8.000đ/triệu/ngày. Người vay phải cầm cố tài sản hoặc giấy tờ có giá trị.
Đặc biệt, để che giấu hành vi, các đối tượng không ghi phần lãi suất thực tế vào giấy tờ mà thoả thuận miệng với người vay. Điều đáng nói là, để che giấu hành vi, khép kín mọi hoạt động, tại các chi nhánh, Quảng đều đưa các đối tượng cùng quê ở Nam Định về Bắc Ninh làm trưởng chi nhánh. Trong số này đều là những thanh niên “có máu mặt”, nhiều đối tượng có tiền án, tiền sự.
Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Ninh khám xét trụ sở chi nhánh Công ty Đại An.
Xét thấy ổ nhóm đối tượng trên hoạt đọng tín dụng đen để cho vay lãi nặng, gây bức xúc trong nhân dân, ảnh hưởng đến ANTT địa phương nên Phòng Cảnh sát hình sự đã báo cáo đề xuất Giám đốc xác lập chuyên án đấu tranh, tập trung điều tra làm rõ các điểm cho vay của Công ty Đại An tại các huyện, thành phố có bao nhiêu điểm, giấy tờ kinh doanh có những gì, ai đứng tên, ai làm thuê, quy luật hoạt động như thế nào để tổ chức triệt phá. |
Khi có đủ tài liệu, chứng cứ, Đại tá Phạm Văn Lương, Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT đã tập hợp lực lượng, quyết định phá án với hình thức tổng kiểm tra các điểm kinh doanh để thu giữ tài liệu, chứng cứ, chứng minh hoạt động vi phạm của các đối tượng.
Theo đó, Ban Chuyên án đã huy động khoảng 100 CBCS, chia thành 15 tổ công tác đồng loạt kiểm tra 15 điểm kinh doanh của Công ty Đại An tại tỉnh Bắc Ninh, tạm giữ 2.681 hồ sơ các đối tượng cho công nhân và người lao động vay nợ. Mỗi hồ sơ gồm giấy vay tiền, giấy tờ thế chấp như CMND, hộ khẩu, đăng ký xe, bằng cấp các loại...
Tổng số tiền tương ứng với hồ sơ cho vay là hơn 6 tỷ đồng; 37 quyển sổ ghi chép vay nợ, hơn 500 triệu tiền mặt, 9 máy tính, 14 điện thoại, 30 xe máy các loại và nhiều giấy tờ, tài liệu liên quan đến việc cho vay lãi nặng. Đồng thời, cơ quan điều tra đã triệu tập 15 đối tượng về Phòng Cảnh sát hình sự để đấu tranh, khai thác.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT, tập trung nhiều lực lượng, sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, chỉ trong một thời gian ngắn, lực lượng chức năng làm rõ Công ty Đại An đã cho vay trên địa bàn Bắc Ninh khoảng 33 tỷ đồng với hơn 9.000 hồ sơ cho vay tiền, tổng tiền lãi thu được khoảng 3,9 tỷ đồng.
Khi có đủ hồ sơ, tài liệu, Cơ quan CSĐT đã bắt khẩn cấp 15 đối tượng về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, gồm 6 đối tượng ở huyện Hải Hậu, Nam Định: Đinh Quang Thắng, SN 1983, trú ở xóm 12, xã Quang Hải; Trần Mạnh Hùng, SN 1982, trú ở xã Hải Lộc; Nguyễn Xuân Điển, SN 1993, trú ở xã Hải Thanh; Trần Văn Dương, SN 1982, trú ở xã Hải Tây; Trần Văn Khang, SN 1997, trú ở xã Hải Lộc; 7 đối tượng trú ở xã Hải Đông, huyện Hải Hậu, Nam Định gồm: Bùi Văn Thành, SN 1995; Đỗ Văn Hùng, SN 1973; Vũ Văn Huỳnh, SN 1976; Phạm Văn Hy, SN 1981; Phạm Văn Toán, SN 1991; Nguyễn Văn Triệu, SN 1999; Phạm Quang Hải, SN 1983; 2 đối tượng còn lại là Nguyễn Quang Xứng, SN 1985, trú ở khu phố 5, Hiệp Thành, quận 12, TP Hồ Chí Minh và Dương Đắc Chuẩn, SN 1995, trú ở Đa Tiện, Xuân Lâm, Thuận Thành, Bắc Ninh.
Sau khi bắt 15 đối tượng trên, CBCS Phòng Cảnh sát hình sự tiếp tục củng cố chứng cứ, vận động Giám đốc công ty là Trần Đình Quảng đầu thú. Khám xét khẩn cấp chỗ ở, nơi làm việc của Quảng, lực lượng chức năng thu giữ nhiều giấy tờ, tài liệu liên quan đến cho vay nặng lãi ở Hà Nội, Bắc Ninh và nhiều nơi khác.
Đến nay, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Ninh đã làm việc được với 400 người vay tiền, chủ yếu là công nhân để làm rõ hành vi vi phạm của các đối tượng. Qua đó đã xác định, Công ty Đại An hoạt động trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh từ 19-7-2017, sau đó, phát triển, thành lập 15 chi nhánh tại 4 huyện, thành phố của Bắc Ninh.
Hàng tháng, Quảng đến các chi nhánh chốt sổ tiền vay và thu tiền lãi. Khi người vay không trả gốc, lãi đúng kỳ theo quy định, Quảng tổ chức đồng bọn đến xiết nợ, đòi nợ trái pháp luật.
Đáng thương nhất là trường hợp chị Nguyễn Thị N., công nhân khu công nghiệp Yên Phong. Chị N. là mẹ đơn thân, làm công nhân lương thấp lại phải thuê nhà, thuê người trông con nên kinh tế rất khó khăn. Không may cháu bé bị ốm, phải đi viện nên chị vay của các đối tượng 10 triệu đồng, lãi suất 8 nghìn/triệu/ngày, 10 ngày thu lãi 1 lần.
Đến kỳ, chị N. chưa trả được, chúng cộng lãi vào gốc để tính kỳ hạn sau. Sau 1 tháng, số tiền đã lên thành hơn 13 triệu, sau hai tháng, số tiền đã gấp đôi tiền gốc. Chị N. đành bán chiếc xe máy duy nhất được 12 triệu đồng để trả cho các đối tượng nhưng số nợ vẫn còn hơn 8 triệu đồng và tiếp tục “đẻ” lãi con.
Khi các đối tượng bị bắt, chị N. mừng lắm, thoát được cảnh nợ nần chồng chất bởi số tiền lãi 2 triệu đồng chị trả cho chúng đã vượt nhiều lần so với quy định của ngân hàng.
Đại tá Phạm Văn Lương – Phó Giám đốc Công an tỉnh Bắc Ninh cho biết, chế tài xử lý, xử phạt các đối tượng cho vay nặng lãi vẫn còn nhẹ, chưa đủ để răn đe, trong khi lãi suất chúng cho vay rất cao, khi người vay không trả đủ, chúng cộng lãi vào gốc để tiếp tục tính kỳ lãi mới.
Đề nghị công nhân, người lao động khi cần tiền để xử lý việc cá nhân nên vay ở các quỹ tín dụng, ngân hàng để đảm bảo tính pháp lý cũng như lãi suất thấp, cảnh giác, tránh xa tín dụng đen vì lãi mẹ đẻ lãi con rất nhanh.