Facebook đang thất sủng
Một ngày, tôi mở Facebook và thấy hiển thị đầu tiên trên News Feed là bài viết của một người bạn mà tôi đã 10 năm chưa gặp. Cô ấy nhờ bạn bè trên Facebook giới thiệu bác sĩ ở một thị trấn ven biển, cách nơi tôi sống khoảng 130km….
Dù bạn tôi nhận được nhiều lời khuyên nhưng với tôi, điều này chẳng có gì thú vị. Đó không phải là điều tôi quan tâm. Những gì từng khiến tôi và nhiều người thích thú khi lướt Facebook đã không còn. Rõ ràng, đây là cách Facebook phản ứng với những bê bối trong thời gian gần đây nhưng nó đang biến mạng xã hội này trở nên nhàm chán.
Facebook đang thực hiện đúng những gì mà nhà sáng lập Mark Zuckerberg mong muốn. Hồi đầu năm, ông chủ mạng xã hội lớn nhất thế giới đã quyết định giảm mức độ hiển thị của tin tức hay các bài quảng cáo, thay vào đó là những nội dung mà bạn bè, gia đình của người dùng chia sẻ. Tuy nhiên, những gì trên News Feed của tôi, và cả các bạn nữa, chỉ là những thông tin quá mang tính cá nhân và chẳng có gì hấp dẫn.
Chính bản thân Zuckerberg cũng nhận thấy sự thay đổi trên News Feed đã ảnh hưởng mạnh tới số người truy cập ứng dụng này. Những tính năng mới làm giảm khoảng 5% tổng số thời lượng mà một người sử dụng Facebook đúng như điều mà nhà sáng lập mạng xã hội này mong muốn.
Dĩ nhiên, vẫn còn quá sớm để khẳng định đây là "dấu chấm hết với Facebook". Hiện tại, mạng xã hội này có khoảng 2 tỷ người sử dụng. Tuy nhiên, chẳng có điều gì đảm bảo Facebook sẽ mãi là ứng dụng mạng xã hội nổi bật nhất trong cuộc sống của chúng ta.
Trên thực tế, lịch sử đã cho thấy các mạng xã hội khác đều có thời điểm trải qua sự suy giảm hay ít nhất là trì trệ. TheGlobe.com, Friendster, Path, Livejournal, YikYak, Secret, Tumblr là những ví dụ trong khi Twitter và Snapchat cũng đang có dấu hiệu cho thấy một sự tăng trưởng chậm chạp. Liệu những điều đang xảy ra có phải là điềm báo ảm đạm cho tương lai của Facebook?
Phố Wall phản ứng
Các nhà phân tích phố Wall cũng có những cảnh báo của riêng mình bằng việc chỉ ra những khó khăn chất chồng với Facebook.
Nhằm hạ nhiệt cơn phẫn nộ của công chúng sau vụ việc thu thập dữ liệu người dùng phục vụ quảng cáo, Zuckerberg tuyên bố chấm dứt chương trình "Các danh mục đối tác", vốn cho phép các nhà quảng cáo nhắm tới đối tượng người dùng nhất định dựa vào thông tin mà họ thu thập được. "Các danh mục đối tác" không phải mảng kinh doanh lớn của Facebook nhưng động thái này cho thấy Facebook đang phải hy sinh chính những lợi ích của họ.
Trong khi đó, nếu Facebook vẫn tiếp tục quay lưng với tin tức trên News Feed, sự hấp dẫn của mạng xã hội này sẽ sụt giảm và cổ phiếu của Facebook sẽ phải trả giá.
Trong khi đó, EU tiếp tục nối dài sự đau đầu của Facebook khi tuyên bố Facebook chỉ được phép thu thập dữ liệu của người dùng trong khu vực EU nếu được được họ đồng ý. Đây là con số vô cùng lớn bởi 20% số tài khoản Facebook có nguồn gốc từ châu Âu, nhiều hơn cả số người Mỹ dùng mạng xã hội này. Nếu luật mới trở thành hiện thực, Facebook sẽ buộc phải tuân theo.
Chính tại nước Mỹ, những dấu hiệu tiêu cực cũng đang xuất hiện ngày một nhiều với Facebook. Trong khi đó, ông chủ mạng xã hội này luôn giữ quyền quyết định, ngay cả khi không còn một cổ phiếu nào. Điều đó cho thấy Facebook là vương quốc riêng của Zuckerberg. Chính vì thế, Facebook không phải công ty đặt lợi ích của các nhà đầu tư lên trên hết và dường như Zuckerberg đang mắc sai lầm.
Trong khi đó, phong trào xóa bỏ Facebook đang bùng lên trên khắp nơi. Nhiều tên tuổi lớn, trong đó có cả Elon Musk, cũng tuyên bố xóa tài khoản Facebook của hai công ty Tesla và SpaceX.
Dù tất cả những điềm xấu này đều không thể "giết" Facebook nhưng nó sẽ khiến mạng xã hội lớn nhất thế giới gặp nhiều khó khăn cũng như mất đi lượng đáng kể người dùng.
Trong khi đó, những gì mà người dùng chọn chia sẻ cho Facebook chỉ chiếm một phần rất nhỏ so với những gì mạng xã hội này hiểu về bạn. Tuy nhiên, chính sự "mù mờ" của người dùng về tầm quan trọng của thông tin cá nhân lại là con dao hai lưỡi với Facebook.
Rõ ràng, việc dữ liệu cá nhân bị Facebook thu thập và chuộc lợi là điều khiến rất nhiều người bất ngờ. Tuy nhiên, chính sự không hiểu rõ ấy lại khiến vấn đề trở nên nguy hiểm hơn bởi người dùng có thể phản ứng mạnh mẽ và tiêu cực khi biết thông tin của mình bị lợi dụng. Ngoài ra, đó cũng là chất xúc tác để các quốc gia đưa ra những quy định chặt chẽ hơn nhằm vào Facebook và các mạng xã hội khác.