Với sự phục hồi của du lịch trong và ngoài nước, các hãng hàng không được cất cánh trở lại, nhóm dịch vụ hàng không hưởng lợi lớn khi đồng loạt báo lãi tăng trưởng mạnh. Trong đó phải kể đến CTCP Dịch vụ Hàng không Taseco (HoSE: AST).
Theo báo cáo mới công bố gần đây của Chứng khoán Vndirect (VND), nhóm chuyên gia đánh giá cao tiềm năng tăng trưởng của AST nhờ sở hữu chuỗi cửa hàng bán lẻ sân bay lớn nhất Việt Nam, phủ khắp các sân bay trọng điểm. Bên cạnh đó, bán lẻ tại sân bay cũng là một mô hình kinh doanh có khả năng sinh lời vượt trội nhờ độ nhạy về giá thấp trong hành vi tiêu dùng của khách du lịch.
Nói cách khác, cùng là bán lẻ, nhưng AST có lợi thế ở thị trường sân bay - nơi mà mặt bằng bán lẻ rất hạn chế và không phải doanh nghiệp nào cũng "nhảy" vào được. Chuỗi bán lẻ của Taseco Airs không phải vất vả cạnh tranh với loạt ông lớn ngành bán lẻ "bên ngoài" như Winmart, Circle K, các chuỗi tạp hoá...
Thực tế nhờ sự phục hồi của ngành hàng không, doanh thu quý 3 của AST tăng 96 lần, giúp cho doanh thu lũy kế 9 tháng tăng 207% khi mà lượng khách qua các cảng hàng không tăng 73 lần so với cùng kỳ, trong đó lượng khách nội địa tăng 87 lần và lượng khách quốc tế tăng 35 lần, tổng số cửa hàng từ 108 cửa hàng lên 118 cửa hàng.
Biên LN gộp AST quý 3 đã quay về mức trước dịch và đạt 53,1%, giúp lợi nhuận gộp quý 3 đạt 98 tỷ (so với lỗ gộp 3 tỷ quý 3 năm 2021). Kết quả, lợi nhuận ròng quý 3 đạt 13 tỷ (quý 3/2021 lỗ ròng 40 tỷ). Trong 9 tháng đầu năm, AST ghi nhận lợi nhuận ròng 5 tỷ (cùng kỳ 2021 lỗ ròng 102 tỷ).
Theo Nghiên cứu thị trường của Adroit, thị trường bán lẻ miễn thuế toàn cầu dự kiến sẽ đạt giá trị 112,75 tỷ USD vào năm 2025, tương ứng với mức tăng trưởng kép 6,5% trong giai đoạn 2022-25. Du lịch nước ngoài ngày càng tăng tại Việt Nam là khía cạnh quan trọng thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường bán lẻ hàng miễn thuế.
Theo Statista, doanh thu hàng xa xỉ của Việt Nam trong giai đoạn 2016-19 tăng trưởng kép 14,6% và có thể tăng trưởng kép 7,6% trong năm 2022-25 từ mức cao trong năm 2021. Đây là điểm tích cực cho triển vọng bán lẻ hàng miễn thuế của Việt Nam trong những năm tới.
AST còn được hưởng lợi từ sự phục hồi của hàng không Việt Nam, đặc biệt là hàng không quốc tế khi hầu hết các quốc gia đã gỡ bỏ hạn chế nhập cảnh cho du khách.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp này là một trong những đơn vị được hưởng lợi trong môi trường đồng USD mạnh khi phần lớn doanh thu bằng USD đến từ thị trường quốc tế trong khi không có rủi ro với vay nợ bằng USD.
Theo đó, hiện nay hầu hết các quốc gia đã gỡ bỏ hạn chế đối với du khách và điều này sẽ thúc đẩy nhu cầu du lịch quốc tế. Sản lượng khách quốc tế tăng 35 lần trong quý 3/2022, phục hồi về mức 49,8% trước dịch.
Vndirect kỳ vọng Trung Quốc sẽ nới lỏng hạn chế kể từ quý 2/2023. Do đó, lượng khách quốc tế có thể phục hồi về mức 84% trong quý 2/2023 và 105,3% trong quý 4/2023 so với trước dịch, giúp sản lượng khách quốc tế tăng 195% trong năm 2023. Ngoài ra, sản lượng khách nội địa được dự báo tăng 231% trong năm 2022 và tăng trưởng kép 8,9% trong 2023-25.
Theo Vndirect, hoạt động kinh doanh của AST sẽ được củng cố hơn trong quý 4. Với tiềm lực tài chính mạnh, AST sẽ nâng tổng số cửa hàng lên 120 trong năm 2022 cùng với việc du lịch quốc tế được cởi trói khi hầu hết các quốc gia đã dỡ bỏ hạn chế cho du khách, Vndirect kỳ vọng lợi nhuận ròng quý 4 AST tiếp tục đà phục hồi và đạt 25 tỷ, lợi nhuận ròng năm 2022 đạt 30 tỷ.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 18/11, giá cổ phiếu AST ở mức 48.600 đồng/cp, giảm 29% so với vùng đỉnh hồi tháng 4.