Đối với các chuyên gia và nhà chính trị, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thường là chỉ số kinh tế dùng để do sự phát triển của một thị trường. Chúng cũng được dùng nhiều trong các bài báo cáo kinh tế.
Tuy nhiên với những nhà thiên văn học và nghiên cứu về vũ trụ, chúng ta có cách đơn giản hơn để đánh giá sự phát triển của một nền kinh tế. Đó là nhìn vào Trái Đất ban đêm, hay chính xác hơn là nhìn vào số lượng đèn thắp sáng của mỗi nền kinh tế.
Ngoài ra, việc kinh tế phát triển sẽ thúc đẩy nhiều hoạt động kinh doanh sản xuất mở muộn, qua đó gia tăng số đèn thắp sáng vào ban đêm.
Tăng trưởng quan sát qua đèn đêm và số liệu GDP chính thức của các nền kinh tế tự do (đỏ) và phi tự do (xanh)
Gần đây, chuyên gia Luis Martinez của trường đại học Chicago đã sử dụng dữ liệu tăng trưởng GDP của Ngân hàng World Bank, chỉ số thị trường tự do của Freedom House và số liệu vệ tinh của Hiệp hội khí quyển và hải dương quốc gia Mỹ (NOAA) trong khoảng 1992 - 2008 để đưa ra một số kết luận.
Theo đó, nhiều nền kinh tế được đánh giá là không tự do lại có báo cáo tốc độ tăng trưởng cao hơn so với những gì ông Luis quan sát được từ vệ tinh dựa trên số lượng đèn thắp sáng. Mặc dù có thể có những sai số nhưng theo số liệu thu thập được, chuyên gia Luis cho rằng đã có sự sai lầm trong các báo cáo mà những nền kinh tế phi tự do đưa ra. Bình quân, ông Luis nhận định những nền kinh tế này đã nâng mức tăng trưởng GDP thực tế của quốc gia mình lên khoảng 15-30%.
Nếu kết luận trên là chính xác, nhiều nền kinh tế trên thế giới trên thực tế không tăng trưởng tốt như những số liệu chính thức mà họ đưa ra. Trong khoảng 1992 - 2005, Trung Quốc và Myanmar là những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới theo các số liệu chính thức được công bố, với khoảng 120% tức tương đương 6,3% mỗi năm.
Dẫu vậy, số liệu dựa trên những ánh đèn quan sát vệ tinh của chuyên gia Luis cho thấy 2 nước này chỉ tăng trưởng 90%, tương đương 4,9%/năm trong giai đoạn trên.
Trên thực tế, nhiều nhà nghiên cứu đã sử dụng những phương thức khác nhau để đánh giá về các nền kinh tế thay vì chỉ chấp nhận những số liệu chính thức từ chính phủ. Ví dụ năm 2013, một nghiên cứu đã sử dụng giá bán lẻ trực tuyến để minh chứng rằng chính phủ Argentina đã làm giả số liệu lạm phát trong các báo cáo.