Không cần vốn đầu tư, thu nhập ổn định
Đã thành thông lệ, cứ đến thứ 6 hàng tuần, các thành viên trong tổ sản xuất mây tre đan thôn Bồng Lai, xã Bồng Lai, huyện Quế Võ, lại đến nhà chị Bùi Thị Oanh để bàn giao sản phẩm mây tre đan và nhận nguyên vật liệu về nhà sản xuất. Trung bình mỗi gia đình trong tổ có thể sản xuất được từ 70 - 100 sản phẩm mỗi tuần, mang lại thu nhập từ 1,2 - 1,5 triệu đồng/tháng.
Sau khi học nghề đan mây tre, nhiều nông dân huyện Quế Võ (Bắc Ninh) đã có thu nhập ổn định. Ảnh: T.H
"Các hội viên đã học nghề được ưu tiên vay vốn ưu đãi, mua giống, vật tư nông nghiệp trả chậm… Nhiều đơn vị tổ chức Hội chủ động phối hợp liên kết với các công ty, doanh nghiệp để dạy nghề theo đơn hàng gắn với việc làm có thu nhập ổn định cho lao động nông thôn”. Ông Nguyễn Công Thao – |
“Nguyên liệu thô và toàn bộ sản phẩm hoàn chỉnh đều được Công ty TNHH Mây tre đan xuất nhập khẩu Ngọc Quyết bao tiêu, không phải bỏ vốn đầu tư, cũng không phải lo lắng vấn đề đầu ra nên người dân hoàn toàn yên tâm sản xuất. Trong khi làm nông nghiệp khá bấp bênh thì nghề mới này đem lại cho chúng tôi nguồn thu tương đối ổn định, kinh tế gia đình nhờ đó cũng có phần khá hơn” - chị Bùi Thị Oanh cho hay.
Bên cạnh thôn Bồng Lai, hiện tại 4/5 thôn trong xã đều đã thành lập được tổ sản xuất mây tre đan. Những người được tham gia học nghề tiếp tục truyền nghề cho những người xung quanh, nhờ đó số người biết nghề, thành thạo nghề tăng lên nhanh chóng. Hiện toàn xã Bồng Lai có khoảng 200 hộ sản xuất mây tre đan. Nhờ được học nghề mây tre đan, nhiều hộ dân trong xã đã vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ổn định, khấm khá hơn.
Anh Nguyễn Thế Tước là một trong nhiều nông dân (ND) xã Mộ Đạo, huyện Quế Võ có việc làm và thu nhập ổn định sau khi tham gia lớp học nghề đan lát thủ công do Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ ND, thuộc Hội ND tỉnh Bắc Ninh tổ chức. Chúng tôi đến thăm khi vợ chồng anh Tước đang tất bật hoàn thiện những mẫu giỏ, khay đựng bằng tre để kịp giao hàng cho công ty.
Anh Tước phấn khởi cho biết: “Cả hai vợ chồng tôi đều là người khuyết tật, sức khỏe yếu nên không thể làm ăn như các hộ khác. Nuôi thêm 2 đứa con ăn học nên cuộc sống lại càng khó khăn hơn. May mắn, từ năm 2013 đến nay, được tham gia lớp học đan lát thủ công do Hội ND tổ chức và được Hội hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm sau học nghề, nên gia đình tôi đã có thu nhập ổn định từ nghề này”. Theo anh Tước, nghề đan lát không vất vả, nặng nhọc, chỉ cần một chút tinh ý và khéo léo thì ai cũng có thể làm được. Mỗi ngày anh Tước đan được hơn 20 sản phẩm, với giá 4.200 đồng/sản phẩm, tính ra mỗi tháng anh có thu nhập hơn 2 triệu đồng từ nghề đan lát.
Dạy nghề theo “đơn đặt hàng” của doanh nghiệp
Anh Nguyễn Xuân Huy – Chủ tịch Hội ND xã Mộ Đạo cho biết, sau lớp dạy nghề mây tre đan do Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ ND tỉnh tổ chức, người dân xã Mộ Đạo có thêm nghề mới với thu nhập ổn định. Nguyên liệu thô và toàn bộ sản phẩm hoàn chỉnh đều được Công ty TNHH Mây tre đan xuất nhập khẩu Ngọc Quyết bao tiêu. Không phải bỏ vốn đầu tư cũng như không phải lo lắng vấn đề đầu ra nên người dân hoàn toàn yên tâm sản xuất.
“Từ khi có thêm nghề mây tre đan, cuộc sống của người dân nơi đây đã có nhiều đổi thay. Nhiều gia đình nhờ được học nghề mới đã vươn lên thoát nghèo, có của ăn của để. Đây là mô hình rất phù hợp, thiết thực với lao động nông thôn, đặc biệt lao động nữ, trung niên, cao tuổi, người khuyết tật” - anh Huy bày tỏ.
Ông Đào Trọng Đại – Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ ND tỉnh Bắc Ninh cho biết: “Từ năm 2010 đến nay, trung tâm đã phối hợp với Hội ND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh tổ chức 86 lớp đào tạo nghề cho 2.604 lao động nông thôn. Sau đào tạo, trên 80% học viên có việc làm. Hầu hết các lớp dạy nghề do trung tâm tổ chức đều được mở tại xã hoặc thôn, xóm, gắn lý thuyết và thực hành tại chỗ nên rất thuận lợi cho hội viên, ND theo học”.
Theo ông Đại, đối với nhóm nghề phi nông nghiệp như may công nghiệp, nấu ăn, mây tre đan…, Trung tâm đào tạo dạy nghề theo đơn đặt hàng, có địa chỉ đầu ra, dạy nghề theo thực tế cần thiết của các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn. “Yếu tố quan trọng nhất để việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn mang lại hiệu quả bền vững chính là cần bảo đảm sợi dây liên kết giữa trung tâm dạy nghề, học viên và doanh nghiệp” - ông Đại nhấn mạnh.