Thuỷ sản Hùng Vương (HVG) vừa công bố BCTC hợp nhất năm 2018 với những điểm sáng nhất định sau 1 năm miệt mài tái cơ cấu, mạnh tay "bán đứt" nhiều tài sản giá trị hiện có. Trong đó, mặc dù tình hình kinh doanh vẫn giảm sút, song lợi nhuận khác mang về khiến HVG "cải tử hoàn sinh" với khoản lãi sau thuế hơn 16 tỷ, trong khi năm ngoái lỗ đến 705 tỷ đồng.
Chi phí dự phòng được cắt giảm cả trăm tỷ đồng
Thứ nhất, nói về quy mô tài sản tính đến cuối năm 2018 của HVG, ghi nhận giảm mạnh từ mức 13.877 tỷ về 8.583 tỷ đồng. Trong đó, tài sản ngắn hạn ghi nhận giảm từ 9.869 tỷ về 6.678 tỷ đồng, con số điều chỉnh tài sản dài hạn là hơn 2.000 về chỉ còn 1.905 tỷ đồng.
Chi tiết, tài sản ngắn hạn giảm chủ yếu tại khoản mục hàng tồn kho, giảm 2 lần về chỉ còn 1.906,5 tỷ đồng; ngoài ra mục đầu tư tài chính ngắn hạn cũng giảm từ 12 tỷ về chỉ còn 1 tỷ đồng. Ngược lại, tiền và tương đương tiền cuối kỳ ghi nhận tăng từ 206 lên hơn 406 tỷ, các khoản phải thu tương tự tăng gấp đôi lên mức 1.025 tỷ đồng.
Về tài sản dài hạn, Công ty giảm mạnh tại mục tài sản cổ định. Ngược lại, đầu tư tài chính dài hạn và phải thu tăng, lần lượt đạt mức 681 tỷ và 1.559 tỷ đồng. Trong lần công bố thông tin trước đó, một số thương vụ bán ra đáng chú ý của HVG bao gồm:
+ Ngày 14/8/2017, HVG đã quyết định thanh lý các bất động sản và quyết định giải thể đối với Địa ốc An Lạc do Công ty năm giữ 76% vốn. Tổng diện tích đất bán ra 7131.5 m2 bao gồm diện tích 1488.5 m2 tại 94 Phạm Đình Hổ (phường 2, quận 6) và diện tích 5643 m2 tại 765 Hồng Bàng (phường 6, quận 6).
+ Tháng 11/2017, HVG tiếp tục thoái vốn tại Thực Phẩm Sao Ta (FMC) với hơn 21 triệu cổ phiếu, tương đương 54,28% vốn và thu về 486,8 tỷ đồng.
Tháng 7/2018, Công ty bán bớt vốn tại Việt Thắng (VTF), giảm tỷ lệ sở hữu từ 90,36% về 33,16% vốn, tương đương thu về hơn 861 tỷ đồng.
+ Tháng 9/2018, HVG bán Kho lạnh 2 cho Giải pháp Thương mại ABA, thu về gần 151 tỷ đồng.
Đặc biệt, việc cắt giảm công ty con có tác dụng giảm bớt gánh nặng về nợ phải thu, dự phòng… cho HVG. Ghi nhận toàn bộ các khoản mục dự phòng Công ty giảm đáng kể sau 1 năm qua, điều này ít nhiều làm BCTC HVG khả quan hơn. Điển hình, dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi giảm từ 52 tỷ về 10 tỷ đồng, dự phòng giảm giá hàng tồn giảm từ 975 tỷ về 684 tỷ đồng, cuối cùng dự phòng đầu tư tài chính ngắn hạn cũng không còn ghi nhận, trong khi đầu kỳ chiếm đến 33 tỷ đồng chi phí.
Chi phí dự phòng được cắt giảm cả trăm tỷ đồng.
Cả năm thu về 467 tỷ thanh lý công ty con
Về kinh doanh, năm 2018 HVG đạt 8.230 tỷ đồng doanh thu, giảm mạnh so với mức 15.709 tỷ năm ngoái. Trong đó, hầu hết các nguồn thu đều giảm, đáng kể nhất có doanh thu xuất khẩu giảm phân nửa từ 7.412 tỷ về 3.298 tỷ đồng.
Ngược lại, doanh thu tài chính tăng đột biến, trong đó Công ty ghi nhận thu hơn 467 tỷ từ việc thanh lý công ty con. Trong khi chi phí lãi vay được cắt giảm phân nửa do dư nợ vay được điều chỉnh. Cụ thể, tổng nợ Công ty năm qua giảm từ mức 11.378 tỷ về 6.441 tỷ đồng, giảm gần 2 lần so với thời điểm đầu kỳ. Đáng chú ý, dư nợ vay Công ty giảm đáng kể, trong đó nợ ngắn hạn giảm từ 7.070 tỷ về 3.124 tỷ, nợ vay dài hạn giảm từ 671 tỷ về chỉ còn 135 tỷ đồng.
Kết quả là, Công ty thu về lãi sau thuế hơn 16 tỷ, trong đó lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 1,5 tỷ, cải thiện đáng kể so với mức thua lỗ đến 713 tỷ năm 2017.
Cả năm thu về 467 tỷ thanh lý công ty con.
Kế hoạch cho năm 2019, HVG đặt mục tiêu tham vọng với lãi sau thuế tăng hơn 14 lần lên 255 tỷ đồng, bao gồm 75 tỷ tại mảng kinh doanh cá và 180 tỷ đồng kinh doanh thức ăn thủy sản. Điểm sáng đến nay tại HVG là sau khi Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) ban hành kết luận sơ bộ POR14, HVG thuộc diện được miễn thuế đối với mặt hàng cá tra – basa xuất sang cường quốc này, đây là tín hiệu tích cực cho Công ty.