Nếu vào Facebook gõ cụm "chợ đầu mối", bạn sẽ nhận được rất nhiều gợi ý về các nhóm cùng số lượng thành viên. Những chợ đầu mối này được chia theo ngành hàng cụ thể như nhóm "Chợ đầu mối quần áo giá sỉ" có 1,1 triệu thành viên với 20.000 bài viết/ngày, "chợ đầu mối hoa quả" với 447.000 thành viên với 2.800 bài viết/ngày,…
Theo báo Tuổi trẻ, những "chợ đầu mối" này thu hút hàng chục, hàng trăm ngàn hành viên đăng ký mã sạp và đóng phí. Cụ thể với các nhóm nhỏ, thành viên được đăng bài miễn phí tuy nhiên khi số lượng đông, các nhóm sẽ có hình thức thu phí để được quyền duyệt tự động bài viết, chủ động thời gian đăng bài, livestream.
Thành viên muốn đăng ký chỉ cần vào link do chủ chợ gửi và khai báo thông tin, địa chỉ, số điện thoại, CMND, chuyển khoản tiền phí sẽ được xác nhận nhận và báo mã kiot. Ví dụ một nhóm chợ đầu mối hoa quả có mức phí 800.000 đồng/kỳ, mỗi năm có 2 kỳ. Với những người không đăng ký sẽ chỉ được đăng 1 bài/ngày và cuối ngày mới được chủ chợ duyệt.
Theo Tuổi trẻ, hiện hoạt động của các nhóm chợ đầu mối này đang nằm ngoài tầm kiểm soát của cơ quan thuế, dù các ngân hàng được yêu cầu phải cung cấp thông tin.
Thương mại điện tử là một trong số ít ngành được hưởng lợi từ Covid-19 khi xu hướng mua sắm tại nhà tăng cao. Dịch Covid-19 khiến những người chưa từng mua sắm online bắt đầu làm quen dịch vụ, những người từng mua thì tần suất mua cao hơn, nâng thành thói quen.
Đại diện Shopee Việt Nam cho biết thông thường mua sắm online chỉ nhộn nhịp nhất vào dịp cuối năm nhưng năm 2020 đơn hàng của ứng dụng này tăng vọt từ đầu năm đến cuối năm. CEO Tiki Trần Ngọc Thái Sơn cũng đưa ra nhận định lạc quan tương tự và qua năm 2020 cho thấy, càng ngày xu hướng online là bắt buộc cho dù kinh doanh cái gì.
Tuy là ngành tăng trưởng mạnh nhưng dưới góc độ cơ quan quản lý, Tổng cục thuế cho biết dù chính sách về quản lý thuế đối với kinh doanh TMĐT đã có nhưng chưa có quy định cụ thể về chính sách và quản lý thuế đối với các đối tượng đặc thù, dẫn đến phát sinh vướng mắc trong việc xác định thuế suất, hình thức khai thuế và trách nhiệm của các công ty đối tác và nhà cung cấp trên nền tảng trực tuyến nước ngoài. Điều này dẫn đến hiện tượng thất thu thuế.
Hiện lãnh đạo cơ quan thuế nhiều lần nhắc đến việc tăng cường trách nhiệm của các tổ chức trong việc khai thuế và nộp thuế thay cho các cá nhân kinh doanh. Tổng cục Thuế đang lấy ý kiến góp ý dự thảo thông tư về thuế của các cá nhân kinh doanh trên sàn TMĐT, với 2 phương án được đưa ra. Theo đó, các sàn TMĐT được yêu cầu khai thông tin và nộp thuế thay (nếu nắm dòng tiền) cho cá nhân và hộ kinh doanh.
Như vậy, các sàn TMĐT như Tiki, Shopee, Lazada, Sendo... hoặc các đơn vị giao vận sẽ có trách nhiệm cung cấp thông tin của chủ shop (nếu cư trú tại VN) cho cơ quan thuế. Phương án thứ 2 là chính cá nhân kinh doanh sẽ phải tự kê khai và nộp thuế khi bán hàng trên các sàn TMĐT.
Thời gian qua, cơ quan thuế đã truy thu bằng nhiều cách khác nhau. Chia sẻ với báo chí, ông Phan Văn Dũng - Chi cục trưởng Chi cục thuế Quận 1 tại TPHCM từng cho biết: Nhiều trường hợp cơ quan thuế xuống tận tổ dân phố để nắm bắt thông tin vì những nhà có kinh doanh online thì shipper thường xuyên ra vào nên tổ dân phố sẽ biết được. Sau đó, cơ quan thuế sẽ có cách để truy ra thông tin, thậm chí mua hàng để nắm được số tài khoản ngân hàng, từ đó yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin tài khoản".
Chia sẻ với Tuổi trẻ, bà Tạ Thị Phương Lan, Phó vụ trưởng Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ, vừa và hộ kinh doanh (Tổng cục thuế) cho biết ngành thuế sẽ tập trung quản lý trong năm nay và các năm tiếp theo là các sàn TMĐT. Đặc biệt là Tp. HCM và Hà Nội, vốn là những địa bàn phát sinh nhiều hoạt động TMĐT.
Tuy nhiên việc cá nhân bán hàng tài sản tiêu dùng của bàn thân trên sàn TMĐT, theo quy định, không phải kê khai và nộp thuế. Với những tài sản không mang tính chất tiêu dùng thì người bán phải chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Nếu xác định tài sản này là kinh doanh, người bán sẽ phải nộp thuế.
Ngoài các sàn TMĐT, việc quản lý thuế với những nhóm hoạt động giao dịch kinh doanh lớn như các nhóm chợ đầu mối trên Facebook của cơ quan thuế ra sao cũng là câu hỏi được nhiều người quan tâm.
Vì sao viết phần mềm cho Google thu nhập 330 tỷ đồng/năm đóng thuế suất 7% còn người làm công ăn lương có mức thuế suất TNCN lũy tiến từ 5-35%?