Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, trong bối cảnh Hiệp định Thương mại Việt Nam - EU (EVFTA) chuẩn bị có hiệu lực, tôm là một trong những mặt hàng thủy sản được hưởng lợi từ những ưu đãi thuế quan do Hiệp định này mang lại. Tuy nhiên, tham gia Hiệp định cũng đặt ra nhiều thách thức cho doanh nghiệp xuất khẩu.
Cụ thể, EVFTA sau khi có hiệu lực sẽ được coi là cơ hội để các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam nâng cao giá trị xuất khẩu vào thị trường này. Theo cam kết trong EVFTA, thủy sản Việt Nam xuất sang EU sẽ được xóa bỏ thuế quan hoàn toàn (trừ cá ngừ đóng hộp và cá viên áp dụng hạn ngạch thuế quan là 11.500 tấn) với lộ trình dài nhất là 7 năm. Riêng mặt hàng tôm sẽ khả quan hơn bởi thuế nhập khẩu vào thị trường này sẽ giảm mạnh từ năm đầu tiên, sau đó giảm dần về 0% trong những năm tiếp theo.
Hiện tại, mức thuế GSP mà EU dành cho Việt Nam đối với tôm nguyên liệu đông lạnh (HS 030617) là 4,2%; tôm chế biến đông lạnh (HS 160521) là 7%. Việt Nam có lợi thế hơn so với 2 nước đối thủ là Thái Lan và Trung Quốc vì 2 nước này không được hưởng GSP của EU.
Bên cạnh ưu đãi về thuế, EVFTA còn mang lại cho doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cơ hội tăng khả năng cạnh tranh so với đối thủ chưa có FTA với EU (Ấn Độ, Thái Lan). Doanh nghiệp có thể tiết kiệm được chi phí sản xuất để tăng cạnh tranh vì có thể tiếp cận dễ dàng hơn với các dịch vụ phục vụ sản xuất do Việt Nam cam kết mở cửa dịch vụ logistics, bảo hiểm, tài chính và dịch vụ phục vụ sản xuất khác…
Doanh nghiệp cũng có điều kiện tham gia chuỗi cung ứng khu vực nhờ sự dịch chuyển đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia, được đảm bảo môi trường kinh doanh và thể chế ổn định, minh bạch hơn (nhờ cải thiện quy định, chính sách phù hợp theo các điều khoản FTA).
Tuy nhiên, sẽ có những thách thức mới cho ngành thủy sản Việt Nam khi tham gia EVFTA như: các điều kiện về hàng rào kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng, quy tắc xuất xứ chặt hơn, có nhiều quy định mới và phức tạp hơn, trong khi sản phẩm của Việt Nam so với các nước đối tác FTA kém cạnh tranh hơn về giá thành…
Để tận dụng được ưu đãi, doanh nghiệp cần đặc biệt chú trọng thực hiện và đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn về lao động và môi trường, các vấn đề liên quan đến phát triển bền vững.
Ngành tôm là ngành lao động đặc thù và vẫn đang sử dụng lao động vị thành niên tại một công đoạn chế biến đơn giản và nhẹ nhàng. Tuy nhiên, khi tham gia EVFTA, các quy tắc về lao động sẽ còn chặt chẽ hơn, đòi hỏi doanh nghiệp phải thay đổi để thích ứng với yêu cầu đặt ra trong EVFTA.
Cụ thể, theo cam kết trong EVFTA, nhóm các nguyên tắc về điều kiện lao động bao gồm: quyền tự do liên kết và thương lượng tập thể của người lao động và người sử dụng lao động, xóa bỏ lao động cưỡng bức và lao động bắt buộc, cấm sử dụng lao động trẻ em, xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất, xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử về việc làm và nghề nghiệp.
Các doanh nghiệp cần tăng cường hợp tác, chú trọng liên kết chuỗi để nâng cao năng suất, chất lượng, kiểm soát tốt ATVSTP; cần chủ động tìm hướng hợp tác với các đối tác nước ngoài, đổi mới công nghệ, tham gia vào dây chuyền cung ứng toàn cầu.
5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU đạt 243,4 triệu USD, giảm 26,3% so với cùng kỳ năm 2018. Anh, Đức, Hà Lan là 3 thị trường nhập khẩu chính tôm Việt Nam trong khối. xuất khẩu tôm sang Anh trong tháng 5 vừa qua đã có dấu hiệu tích cực: tăng 11,6% đạt hơn 18 triệu USD.
Với những ưu đãi thuế quan và môi trường kinh doanh, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có lợi thế hơn so với nhiều quốc gia cùng xuất khẩu tôm khác như Ấn Độ, Thái Lan. VASEP dự báo, EVFTA sẽ góp phần giúp xuất khẩu tôm của Việt Nam vào EU tăng thêm 4-6% trong năm nay.