Ngày 28/10 vừa qua, Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn cho biết, Hải quan tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu đang tạm giữ lô hàng nhôm rất lớn trị giá hơn 4 tỉ USD chủ yếu nhập từ Trung Quốc định “đội lốt” xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ và một số nước khác, tuy nhiên lô hàng này đã được lực lượng Hải quan ngăn chặn kịp thời.
Kho nhôm khổng lồ trị giá hơn 4 tỷ USD được Hải quan tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu phát hiện hiện đang nằm tại cảng Bà Rịa
Để xác minh làm rõ vụ việc, Tổng cục Hải quan đã phối hợp với Hải quan Mỹ. Đặc biệt, các đặc vụ của Bộ An ninh nội địa Mỹ đã đến Việt Nam để phối hợp điều tra. Theo thông tin từ Hải quan Mỹ, kể cả khi doanh nghiệp dùng thủ đoạn nhập khẩu nhôm thanh, nhôm thỏi, nhôm thành phẩm về đưa vào lò nấu thành nhôm thỏi rồi cán thành nhôm thanh cũng không đủ điều kiện có xuất xứ Việt Nam để hưởng ưu đãi. Theo báo cáo của Hải quan Bà Rịa Vũng Tàu, số lượng nhôm tồn lên đến 1,8 triệu tấn với trị giá khoảng hơn 4 tỷ USD.
Đây không phải là vụ duy nhất giả xuất xứ hàng Việt Nam. Ngày 2/11, một container hàng hóa được nhập khẩu từ Trung Quốc nhưng giả mạo xuất xứ Việt Nam với giá trị hơn 600 triệu đồng vừa bị các cơ quan chức năng tại TP.HCM phát hiện. Số hàng hóa nói trên do Công ty TNHH Cao su Talalay Việt Nam khai báo và cung cấp giấy chứng nhận xuất xứ Trung Quốc nhằm được hưởng thuế suất ưu đãi. Tổng giá trị hàng hóa là 591 triệu đồng.
Cục Hải quan TP.HCM cho biết, có thể doanh nghiệp muốn vận chuyển bất hợp pháp hàng hóa nhập từ Trung Quốc nhưng mang nhãn xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu đi quốc gia khác.
Hay cũng mới đây, lực lượng Hải quan đã phát hiện, ngăn chặn kịp thời một lô hàng xe đạp Trung Quốc giả mạo xuất xứ hàng Việt Nam xuất khẩu. Lô hàng này gồm 313 chiếc xe đạp với trị giá trên 26.000 USD do Công ty TNHH xe đạp E - một doanh nghiệp có vốn đầu tư Trung Quốc mở tờ khai hải quan tại Chi cục Hải quan KCN Sóng Thần (Bình Dương). Theo khai báo của doanh nghiệp, hàng hóa xuất khẩu là xe đạp thực hiện lắp ráp tại Việt Nam, xuất xứ Trung Quốc. Tuy nhiên, qua soi chiếu và kiểm tra thực tế, cơ quan Hải quan phát hiện trên bao bì đóng gói cũng như trên sản phẩm xe đạp đều được ghi chữ "Made in Vietnam".
Bộ Công Thương đã lưu ý, số liệu cho thấy nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ Trung Quốc trong báo cáo 9 tháng đầu năm 2019 tăng mạnh.
Do vậy Bộ Công Thương gia tăng lo ngại hiện tượng hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc mượn Việt Nam để lẩn tránh xuất xứ, rồi tái xuất đi Mỹ để né thuế. Nhất là trong bối cảnh, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ cũng đang tăng mạnh trong thời gian qua.
"Thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam tăng nhanh có thể kéo theo hệ lụy về việc tăng kiểm soát nhập khẩu từ Việt Nam và Việt Nam dễ vào tầm ngắm của việc kiểm tra tránh hàng Trung Quốc đội lốt vào Mỹ, ảnh hưởng tới doanh nghiệp xuất khẩu, cũng như ảnh hưởng tiêu cực đến cả đầu tư", Bộ Công Thương lo ngại.
Không chỉ mặt hàng thép, nhiều mặt hàng khác như nông sản, gỗ… cũng có khả năng 'đội lốt' xuất xứ hàng của Việt Nam.
Ông Nguyễn Tôn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam cho biết, kể từ khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung diễn ra đến nay, đã có rất nhiều cảnh báo về vấn đề hàng Trung Quốc mượn đường Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ. Trong đó, đáng lưu ý là sản phẩm gỗ dán.
Mỗi năm, Trung Quốc xuất khẩu khoảng 80 tỷ USD gỗ dán sang Mỹ, gồm có gỗ dán gỗ cứng và gỗ dán gỗ mềm. Việt Nam hiện chưa xuất khẩu gỗ dán gỗ mềm. "Cần chú ý, thuế xuất khẩu gỗ dán gỗ cứng sang Mỹ lên tới 183% nhưng thuế xuất khẩu gỗ dán gỗ mềm hiện là 0%, do đó Việt Nam cần đề cao cảnh giác việc bị lợi dụng để xuất khẩu mặt hàng này. Năm 2017, kim ngạch xuất khẩu gỗ dán Việt Nam sang Mỹ chỉ đạt 50 triệu USD, nhưng đến năm 2018, con số này đã tăng vọt tới 290 triệu USD, một sự bất thường đáng báo động", ông Quyền nhấn mạnh.
Một thực trạng đáng nói là có tới 70% trong số hơn 800 doanh nghiệp gỗ dán Việt nhận vốn đầu tư từ Trung Quốc hoặc Đài Loan.
Theo ông Quyền, cảnh báo về nguy cơ gỗ dán Trung Quốc đội lốt hàng Việt Nam là có thật, các bộ, ban ngành cần có tránh nhiệm giải quyết bài toán này để tránh nguy cơ trừng phạt từ Mỹ cũng như tạo cơ hội cho doanh nghiệp gỗ dán Việt Nam cạnh tranh và phát triển.
Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, việc giả mạo xuất xứ hàng hóa của Việt Nam để xuất khẩu sang nước thứ 3 với mục đích tận dụng ưu đãi về thuế tại thị trường Việt Nam, nhất là khi vừa qua thế giới xảy ra cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc nên điều này khiến các cơ quan quản lý cũng như các doanh nghiệp Việt Nam hết sức phải quan tâm.
Như mặt hàng nhôm, do chênh lệch thuế suất vì nếu nhôm của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ chỉ phải chịu thuế khoảng 15%, nhưng nhôm của Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ phải chịu thuế lên đến 374%.
"Bộ Công Thương cũng đã có cảnh báo về việc này và cho rằng đây là điều cần hết sức lưu ý. Nếu cộng đồng doanh nghiệp không cẩn thận, chỉ vài doanh nghiệp được hưởng lợi nhưng nhiều ngành nghề khác và tất cả các doanh nghiệp khác sẽ bị nhiều quốc gia xuất khẩu áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, hạn chế nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam như đối với một số ngành thép, nhôm…", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng nhấn mạnh.