Theo thông kê mới được công bố, có 129 người ngoài 60 tuổi tự tử tại Singapore trong năm 2017. Đây là con số cao kỷ lục, nhất là trong bối cảnh tỷ lệ tự tử giảm ở mọi nứa tuổi, ngoại trừ tuổi già. Đây cũng là năm có số người lớn tuổi tự tử cao nhất trong gần 30 năm qua ở đảo quốc sư tử.
Bà Christine Wong, giám đốc điều hành SOS, cho biết: "Đây là điều vô cùng đáng lo ngại khi người già có xu hướng lựa chọn cách tự tử, phương án duy nhất mà họ có để chấm dứt những đau đớn và khốn khó trong cuộc sống. Đáng lẽ, đây là độ tuổi họ được tận hưởng những điều tốt đẹp nhất sau một đời vất vả".
Điều quan trọng nhất là những người tự tử ấy không muốn chết. Họ chỉ thực sự không muốn sống một cuộc sống tuyệt vọng và bế tắc mà chẳng thể tìm ra đường thoát. Họ cảm thấy họ kiệt sức với những lựa chọn ở tuổi mà sức khỏe và tiền bạc đều suy giảm mạnh mẽ.
"Với dân số già, tình trạng tự tử ở người cao tuổi tại Singapore có thể sẽ tiếp tục tăng lên. Người cao tuổi bệnh tật, không có gia đình để nương tựa hay những người bị cô lập với xã hội sẽ có xu hướng tự tử lớn hơn. Hầu hết họ không muốn trở thành gánh nặng cho người khác", bà Wong nhận định.
Cùng với tình trạng già hóa dân số, chẳng có mấy người trong độ tuổi lao động làm việc hỗ trợ cho nhóm người già cả. Điều này làm gia tăng căng thẳng trong những gia đình có người già, tiềm ẩn những tai ương khác.
Đối với hầu hết người già, gia đình là mối quan hệ gần gũi nhất của họ và là nơi đầu tiên họ tìm kiếm sự giúp đỡ. Tuy nhiên, quy mô của gia đình ngày càng nhỏ và số người lớn tuổi sống 1 mình hoặc sống cùng với những người cùng cảnh ngộ đang tăng lên. Đây là lý do chính khiến nhiều người cảm thấy cuộc sống cô đơn. Ngoài ra, hầu hết người trẻ, kể cả trẻ em, cũng có cuộc sống bận rộn và có thể không chú ý nhiều tới cha mẹ, ông bà như người già vẫn mong đợi.
"Sự cô lập của người cao tuổi là điều chúng ta cần giải quyết để ngăn vấn nạn tự sát. Sống chung với người khác không có nghĩa là một người già đã hết cô đơn hay cô độc. Họ cần sự tương tác và tình cảm để cảm thấy vui vẻ hơn", bà Wang Jing của quỹ Tsao nhấn mạnh.
Vai trò của cộng đồng và các nhóm hỗ trợ xã hội của người già là quan trọng. Giáo dục cộng đồng tốt hơn và đào tạo các tình nguyện viên để trò chuyện với người cao tuổi, từ đó nhận ra dấu hiệu trầm cảm và có nguy cơ tự sát cũng như thiết lập các kênh để đánh dấu những người có nguy cơ và cung cấp cho họ sự giúp đỡ của các chuyên gia, là cách có thể giải quyết triệt để vấn đề.
"Tự tử giống như một tình huống cực đoan khi mọi người muốn chấm dứt nỗi đau và những cảm xúc tồi tệ áp đảo mà họ liên tục phải chịu đựng. Nếu các bước can thiệp tâm lý và tình cảm được tiến hành sớm, họ có thể vượt qua vấn đề và hành động tự tử sẽ không xảy ra", bà Wang khẳng định.