Nếu bạn gặp khó trong việc mua khẩu trang, bạn sẽ không cô đơn. Virus corona bùng lên mạnh mẽ ở Trung Quốc trước khi lây lan ra khắp thế giới khiến tình trạng khan hiếm bao trùm. Có nhiều lý do để giải thích cho sự thiếu hụt này mà nhu cầu tăng đột biến chỉ là một phần.
Trung Quốc là nhà sản xuất khẩu trang lớn nhất thế giới, với công suất trước dịch là 20 triệu chiếc/ngày. Khi dịch bệnh bùng lên, nhiều nhà công nghiệp khác cũng đã bắt tay vào sản xuất khẩu trang nhưng nó không thể đủ để đáp ứng nhu cầu. Theo một ước tính, Trung Quốc cần 60 triệu chiếc khẩu trang mỗi ngày để giải quyết vấn đề của chính mình.
Dù hiệu quả của khẩu trang vẫn còn gây nhiều tranh cãi nhưng đó vẫn là mặt hàng được săn lùng nhiều nhất. Ngay cả khi nhiều quan chức y tế lên tiếng về khả năng của khẩu trang trong việc ngăn chặn COVID-19 lây lan, đây vẫn là mặt hàng mang lại cho người dùng cảm giác an tâm nhất trong bối cảnh nỗi sợ bao trùm.
Không chỉ ở Trung Quốc, các nhà bán lẻ khắp thế giới đang thiếu khẩu trang một cách trầm trọng. Trên trang bán lẻ trực tuyến Amazon, giá một hộp khẩu trang đã tăng lên hàng trăm USD. Hình ảnh người dân Daegu, Hàn Quốc xếp hàng dài chờ tới lượt mua khẩu trang trong bối cảnh dịch bùng phát ở thành phố này đã không khiến nhiều người bất ngờ.
Tại Italy, khẩu trang cũng là mặt hàng được săn đón nhiều nhất khi hàng trăm trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận ở quốc gia châu Âu này.
Nhu cầu ở Trung Quốc vẫn vượt xa nguồn cung
Các nhà sản xuất khẩu trang ở Trung Quốc mới hoạt động ở mức 76% công suất vào giữa tháng 2. Giới chức Trung Quốc thời điểm đó cho biết sản lượng khẩu trang ở nước này đang thấp hơn 5 triệu chiếc so với công suất tối đa 20 triệu chiếc/ngày. Sản lượng khẩu trang N95, loại được trang bị cho các nhân viên y tế, thậm chí còn thấp hơn ở mức 200.000 chiếc/ngày do chúng cần công nghệ và vật liệu phức tạp hơn để tái chế.
Trong khi đó, nhu cầu ở Trung Quốc có thể vượt xa những gì được ước tính. Thậm chí, quốc gia hơn 1 tỷ dân này có thể cần tới 400 triệu chiếc khẩu trang/ngày nếu các công sở, nhà máy yêu cầu nhân viên của họ phải đeo khẩu trang khi làm việc. Việc một số thương hiệu lớn chẳng liên quan gì đến khẩu trang y tế, trong đó có Foxconn, chuyển sang sản xuất mặt hàng này cũng không đủ đáp ứng nhu cầu.
Không thể thỏa mãn được nhu cầu của chính mình, Bắc Kinh tìm nguồn cung ứng khẩu trang ở nước ngoài. Các quan chức Indonesia cho biết đầu tháng 2 rằng Trung Quốc đã đặt hàng số lượng lớn khẩu trang y tế tương đương 3 tháng sản xuất. Việt Nam cũng đã xuất khẩu một lượng lớn mặt hàng này cho Trung Quốc. Thậm chí, xuất hiện báo cáo cho thấy Bắc Kinh tìm kiếm nguồn cung ứng khẩu trang ở tận Kenya và Tanzania.
Cả thế giới đang khát khẩu trang
Sự thiếu hụt không chỉ xảy ra ở Trung Quốc. Các hiệu thuốc từ Đức, Italy, Anh tới Canada đều rơi vào tình trạng thiếu nguồn cung khẩu trang y tế. Trong một bài báo trên Twitter, một phóng viên của AFP nói rằng hiệu thuốc duy nhất ở trung tâm London có bán khẩu trang mà cô tìm thấy đang bán khẩu trang với giá 3,25 USD/chiếc.
Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, các cửa hàng từ Knoxville, Tennessee đến Thành phố New York cũng phải đối mặt với tình trạng khan hiếm khẩu trang. Dublin, một công ty cung ứng của Ireland, cho biết họ đang phải vật lộn để tìm kiếm nguồn cung khẩu trang với chi phí hợp lý. Nguồn hàng quen thuộc ở Trung Quốc đã không còn nữa, gây ra sự thiếu hụt quy mô lớn.
Mike Bowen, Phó Chủ tịch điều hành và đối tác của công ty sản xuất khẩu trang Prestige Ameritech có trụ sở tại Texas, cho biết: "Hiện tại, khách hàng từ khắp nơi trên thế giới muốn mua khẩu trang của chúng tôi dù những chiếc khẩu trang do Mỹ sản xuất thường có xu hướng đắt hơn nhiều so với sản phẩm của các nước khác".
Bowen kể rằng ông nhận hàng trăm cuộc gọi mỗi ngày từ những người muốn mua khẩu trang. "Bạn cứ nói tên bất cứ quốc gia nào thì tôi cũng đã phải nghe điện thoại muốn mua khẩu trang của một khách hàng đến từ đó", ông Bowen chia sẻ.
Ông Bowen cũng là người phát ngôn của Hiệp hội Khẩu trang Bảo hộ Mỹ, một tổ chức được thành lập để đảm bảo sẽ có đầy đủ khẩu trang trong trường hợp một cuộc khủng hoảng về sức khỏe cộng đồng nổ ra. Bowen cho biết ông từng cảnh báo suốt nhiều năm về sự phụ thuộc vào nguồn cung khẩu trang từ Trung Quốc nhưng phải đến bây giờ, mọi người mới có thể nhìn rõ.
"Tôi từng công khai cảnh báo rằng một ngày nào đó Trung Quốc có đại dịch và chúng ta sẽ thiếu khẩu trang. Bây giờ đúng là như thế", ông Bowen chia sẻ.
Theo đó, một nửa nguồn cung khẩu trang cho thị trường Mỹ có nguồn gốc Trung Quốc. Mexico là một nhà cung ứng lớn khác. Tuy nhiên, việc Trung Quốc phải vật lộn với tình trạng dịch bệnh khiến chẳng có chiếc khẩu trang nào từ quốc gia này được nhập khẩu vào Mỹ trong những tuần gần đây. Dù Trung Quốc không có lệnh cấm xuất khẩu các thiết bị bảo hộ nhưng chắc chắn sẽ chẳng có chiếc khẩu trang nào ra khỏi nước này kể từ tháng 1 vừa qua.
Những quốc gia và vùng lãnh thổ khác, chẳng hạn như Thái Lan, Đài Loan và Ấn Độ, cũng hạn chế xuất khẩu khẩu trang nhằm đảm bảo nhu cầu trong nước trong trường hợp có dịch. Hồi tháng 2, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới, cảnh báo rằng dịch bệnh có thể trở nên phức tạp khi những cá nhân không phải nhân viên y tế tích trữ khẩu trang.
"Nhu cầu cao gấp 100 lần trong khi giá vọt tới 20 lần so với bình thường", ông Ghebreyesus cho hay.
Tham khảo: TIME