Nhưng khác với Mỹ khi Tổng thống Trump là người duy nhất có quyền tiếp cận với "Quả bóng hạt nhân" cho phép tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang phát động một cuộc tấn công, ở Nga có tới 3 người có được quyền hạn tối thượng này là Tổng thống, Bộ trưởng Quốc phòng và Tổng Tham mưu trưởng quân đội quản lý.
3 chiếc vali này có tên gọi là Cheget, một thành tố trong hệ thống tự động hóa mệnh lệnh tối cao và kiểm soát Lực lượng Hạt nhân Chiến lược (SNF) Nga. Trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công hạt nhân nhằm vào Matxcơva, 3 chiếc cặp chống đạn sẽ có cơ chế đưa ra lời cảnh báo cho 3 người nắm giữ chúng cùng lúc.
Cheget được phát triển từ thập niên 80 dưới sự chỉ đạo của giám đốc Cơ quan tình báo Liên Xô (KGB) Yuri Andropov. Chúng lần đầu tiên được đưa vào trực chiến khi cựu lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev lên nắm quyền tháng 3/1985.
Tổng thống Putin nhận lại chiếc cặp hạt nhân tại điện Kremlin năm 2012.
Cheget, nặng 11kg, luôn có mặt trong tất cả các chuyến công du của Tổng thống Nga. Các sĩ quan làm nhiệm vụ canh gác chiếc vali trong các chuyến đi của Tổng thống sẽ được chính Phó tổng Tham mưu trưởng quân đội Nga lựa chọn. Trong mỗi phiên trực, các sĩ quan không chỉ canh gác mà còn phải đảm bảo khả năng hoạt động thông suốt của các thiết bị điện tử cũng như sóng mã hóa của Cheget.
Cheget sử dụng hệ thống tín hiệu mã hóa Kazbek, theo tên một dãy núi của Nga với khả năng điều khiển tên lửa hạt nhân kể cả hệ thống thông tin chính đã bị phá hủy. Kazbek là hệ thống liên lạc đặc biệt bao gồm cả dây cáp, sóng radio và sóng vệ tinh nhân tạo. Trong trường đối phương một vụ tấn công hạt nhân, 3 chiếc vali được trang bị hệ thống điện tử này sẽ ngay lập tức báo động cho những người giữ chúng.
Cơ chế hoạt động
Về cơ bản, 3 chiếc Cheget là thiết bị liên lạc đầu cuối, cung cấp thông tin cho người sử dụng về vụ tấn công có thể xảy ra, cho phép họ tham vấn với những người khác. Bên trong mỗi vali là một thiết bị di động kết nối với mạng lưới chỉ huy và kiểm soát lực lượng hạt nhân chiến lược Nga.
Khi "đánh hơi" thấy bất cứ nguy cơ về một vụ tấn công hạt nhân nhằm vào Nga, Cheget sẽ truyền hiệu lệnh sử dụng vũ khí có sức mạnh hủy diệt này tới thiết bị tiếp nhận thông tin cuối cùng đặt tại các trung tâm chỉ huy của Bộ Tổng tham mưu, các lực lượng tên lửa, Hải quân và Không quân. Sau khi nhận tín hiệu mã hóa, nhân viên tại trung tâm sẽ dùng mã riêng để xác nhận có phải Tổng thống đã gửi hiệu lệnh đó hay không.
Người này sau đó sẽ chờ Tổng thống, Bộ trưởng Quốc phòng và Tổng Tham mưu trưởng quân đội đưa ra quyết định cuối cùng trước khi kích hoạt mã tương thích và gửi chúng tới bệ phóng tên lửa và tàu ngầm hạt nhân. Khi ấy, các mã tích hợp và tên lửa phóng thẳng tới mục tiêu.
Bên trong chiếc vali quyền lực của Tổng thống Nga.
Bởi mang "siêu quyền lực như vậy" nên Cheget chỉ được cân nhắc sử dụng trong những tình huống nguy cấp đặc biệt. Và trường hợp duy nhất từ trước đến nay được ghi nhận là vào tháng 1/1995 khi Na Uy phóng một tên lửa đẩy Black Brant XII mang vệ tinh khí tượng lên khoảng không vũ trụ, có quỹ đạo bay về hướng nước Nga nhưng không hề có báo trước.
Sau khi nhận được thông tin về vụ phóng, quân đội Nga cho rằng đây là một vụ tấn công tên lửa từ tàu ngầm dẫn tới việc Tổng thống Nga khi đó là Boris Yeltsin đã kích hoạt mật mã giai đoạn đầu để sẵn sàng tấn công trả đũa. May mắn thay. hệ thống radar của Matxcơva sau đó xác định "đối tượng" chỉ là một tên lửa đẩy nên ông Yeltsin đã hủy lệnh phóng.
(Tổng hợp)