Chỉ trong vài năm, hình thức thanh toán bằng điện thoại di động đã "ăn sâu" vào cuộc sống của người dân Trung Quốc. Nó có ảnh hưởng lớn tới mức các điểm du lịch ở nước ngoài phải sử dụng công nghệ này để đáp ứng nhu cầu của họ.
Hiện tại, ở Singapore, Malaysia và Thái Lan, có đến 3/4 siêu thị và các cửa hàng tiện lợi chấp nhận các ứng dụng thanh toán bằng điện thoại của Trung Quốc, theo một cuộc khảo sát của Nielsen công bố hôm thứ Hai. Hơn nữa, có khoảng 71% các cửa hàng miễn thuế và các cửa hàng bán đồ cao cấp ở những quốc gia trên cũng áp dụng phương thức thanh toán này.
Hai ứng dụng thanh toán được sử dụng phổ biến nhất là Alipay, điều hành bởi Ant Financial và WeChat Pay của Tencent. Cuộc khảo sát này dựa trên kết quả được thực hiện với 1244 merchant (cơ sở sử dụng phương thức thanh toán trực tuyến để bán hàng hóa và dịch vụ) và 2806 công dân Trung Quốc vào mùa thu năm 2018.
Andy Zhao, chủ tịch của Nielsen tại Trung Quốc, phát biểu: "Song hành với nhu cầu về cá nhân hóa và phức tạp ngày càng tăng cao của khách du lịch Trung Quốc, việc mở rộng phạm vi thanh toán bằng điện thoại di động trên toàn cầu là một dự án dài hạn (đối với các merchant)."
Theo dự kiến, Thái Lan sẽ là điểm đến thu hút được nhiều du khách Trung Quốc nhất trong dịp Tết Nguyên Đán vào tháng 2 tới đây, trang web đặt phòng khách sạn Ctrip cho biết. Nhật Bản, Malaysia và Mỹ cũng nằm trong số 10 quốc gia đón lượng khách Trung Quốc tới đông nhất, với dự đoán của Ctrip là khoảng 7 triệu lượt khách trong dịp nghỉ lễ sắp tới.
Tần suất sử dụng phương thức thanh toán bằng điện thoại của khách du lịch Trung Quốc trên thế giới, theo thống kê của Nielsen.
Ở Trung Quốc, từ những cửa hàng bán rong trên phố, cho tới các cửa hiệu sang trọng, tất cả đều bị cuốn vào "cơn bão" mang tên "thanh toán bằng điện thoại di động". Các chương trình khuyến mãi của nhiều công ty, thẻ tín dụng không còn phổ biến và một phương thức thanh toán thông minh là những yếu tố chính đã biến chuyển một xã hội vốn chỉ dựa trên tiền mặt trở thành một xã hội với hầu hết người dân đều quét mã QR để thanh toán, bất kể là độ tuổi nào. Khối lượng giao dịch bằng phương thức này tăng vọt từ khoảng 5 nghìn tỷ USD vào năm 2016 lên tới 16 nghìn tỷ USD vào quý I năm 2018, theo dữ liệu của Analysys trích dẫn trong báo cáo của Hillhouse Capital.
Các cửa hàng ở nước ngoài đang "thích nghi" rất nhanh chóng với thói quen trả tiền bằng điện thoại di động của khách hàng Trung Quốc. Trong số các cửa hàng ở Singapore, Malaysia và Thái Lan chấp nhận hình thức thanh toán này thì có đến 88% đã áp dụng được 2 năm, khảo sát của Nielsen chỉ ra. Theo đó, các cửa hàng áp dụng công nghệ này cho biết, lượng "foot traffic" (sự có mặt và chuyển động của con người xung quanh, bên trong và bên ngoài cửa hàng) tăng 40%.
Bản báo cáo cũng cho biết khoảng 60% (hoặc hơn), những người Trung Quốc tham gia cuộc khảo sát đều nói họ đã sử dụng hình thức thanh toán bằng điện thoại di động trong các chuyến đi tới Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Đức hoặc Ý vào năm ngoái. Nhìn chung, theo Nielsen, tần suất sử dụng công nghệ này của du khách Trung Quốc đã tăng lên vào năm ngoái. Tuy vậy, thẻ ngân hàng vẫn là phương thức phổ biến nhất.
Rõ ràng rằng, việc các cửa hàng ở nước ngoài áp dụng hình thức này không hoàn toàn có nghĩa là người dân địa phương sẽ sớm sử dụng. Ví dụ, điểm khó ở đây là Alipay lại yêu cầu người dùng phải có số điện thoại và tài khoản ngân hàng của Trung Quốc. Họ hoạt động thông qua quan hệ đối tác với những công ty địa phương, ví dụ như First Data ở Bắc Mỹ.
Tuy vậy, cũng như việc các cửa hàng cao cấp phải thuê nhân viên với kỹ năng thành thạo tiếng Mandarin để phục vụ khách Trung Quốc, thì ngày càng có nhiều điểm du lịch cần phải chấp nhận Alipay và WeChat Pay.
"Trong tương lai, chúng tôi sẽ hỗ trợ nhiều merchant tại địa phương để có thể kết nối với du khách Trung Quốc và thúc đẩy tăng trưởng kinh doanh của họ", Chen Jiayi, người đứng đầu mảng hoạt động kinh doanh cho doanh nghiệp xuyên biên giới của Alipay, cho biết.