Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) vừa có báo cáo nhận định về tình hình hoạt động của Ngân hàng TMCP Phát triển Việt Nam (HDBank – HDB).
Theo đó, lợi nhuận sau hợp nhất của ngân hàng trong 9 tháng đạt hơn 2.300 tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính toán của VCSC cho thấy, HD Saison chiếm 12% lợi nhuận hợp nhất 9 tháng đầu năm, giảm mạnh so với 38% cả năm 2017. Hiện HDBank đang sở hữu 50% HD Saison.
Trước đó, VPBank – ngân hàng đang sở hữu 100% công ty tài chính với thị phần lớn nhất hiện nay – cũng công bố báo cáo tài chính cho thấy tỷ trọng đóng góp của Fe Credit vào lợi nhuận của ngân hàng hợp nhất 9 tháng qua chỉ còn 37%, giảm mạnh so với mức 45% thường thấy trong các kỳ báo cáo trước. Tỷ trọng này cũng thấp hơn nhiều so với kỳ vọng đóng góp một nửa, thậm chí hơn một nửa lợi nhuận vào ngân hàng hợp nhất mà ban lãnh đạo VPBank đã đề ra.
Trở lại với HDBank, thu nhập lãi thuần hợp nhất và của riêng ngân hàng mẹ trong 9 tháng qua tăng lần lượt 18,5% và 28,5% so với cùng kỳ năm ngoái, với NIM hợp nhất và của ngân hàng mẹ đạt 3,8% (so với 4,1% năm 2017) và 2,4% (so với 2,4% năm 2017). Thu nhập lãi thuần hợp nhất chiếm 80,9% tổng thu nhập từ hoạt động, giảm 3,8 điểm % so với năm 2017 do thu nhập ngoài lãi (thu nhập từ mua bán chứng khoán; từ hoạt động dịch vụ; và từ hoạt động khác...) tăng mạnh 33,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thu nhập phí thuần tăng 223% là điểm sáng của ngân hàng hợp nhất 9 tháng qua nhờ HD Saison mở rộng sang các thương vụ hợp tác bancassurance không độc quyền trong mảng phi nhân thọ.
Tỷ lệ chi phí / thu nhập của ngân hàng mẹ tăng 13,5 điểm % lên 53,5% trong quý 3/2018, cao hơn nhiều so với một số ngân hàng khác.
Tỷ lệ chi phí / doanh thu cũng tăng mạnh trong quý 3/2018 do HDBank tích cực đẩy mạnh mở mới phòng giao dịch và mạng lưới bán hàng (POS) tại các thành phố cấp 2 và 3 do tỷ lệ thâm nhập ngân hàng tại các thành phố này còn khá thấp. Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm 2018, HDBank đã mở thêm 39 phòng giao dịch, qua đó nâng tổng số phòng giao dịch lên 279. Tốc độ mở rộng của HDSaison cũng khá tích cực với 1.666 điểm bán hàng, qua đó nâng tổng số điểm bán hàng lên 13.168 với 4,6 triệu khách hàng.
Về hoạt động tín dụng, dư nợ cho vay quý 3 tăng trưởng kém so với quý 2 do tăng trưởng tín dụng mảng tài chính tiêu dùng chậm. Tăng trưởng tín dụng hợp nhất trong 9 tháng đầu năm đạt 14,2% trong khi tăng trưởng tín dụng tính riêng ngân hàng mẹ đạt 15%. Điều này cho thấy HD Saison chỉ đạt tăng trưởng 6,6%. Cũng như HD Saison, FE Credit đạt tăng trưởng tín dụng kém, chỉ khoảng 4,2% tính từ đầu năm.
Theo VCSC, tính đến cuối tháng 9/2018, HDBank đã gần chạm mức trần tăng trưởng tín dụng do NHNN đề ra đầu năm. Ngân hàng đã xin phép NHNN nâng trần tăng trưởng tín dụng lên 40% để bù đắp cho việc sáp nhập ngân hàng PG Bank nhưng vì thương vụ này từng gặp một số khó khăn về thủ tục xin phép chấp thuận nguyên tắc sáp nhập trong quá khứ nên việc hoàn tất sáp nhập chính thức trong quý 4 là "đầy hoài nghi", do đó việc HDBank xin nâng trần tăng trưởng tín dụng cao cũng trở nên khó khăn.
Tỷ lệ nợ xấu tính đến cuối quý 3 của HDank giảm 10 điểm cơ bản so với cùng kỳ năm ngoái nhưng tăng 10 điểm cơ bản so với cuối quý 2 trong khi tỷ lệ nợ xấu đã xử lý trên dư nợ trong 9 tháng đầu năm không đổi. Nợ xấu đã xử lý bằng dự phòng rủi ro trích lập trong 9 tháng đầu đạt 528 tỷ đồng, chiếm 0,4% dư nợ tín dụng, so với 383 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái (0.4% dư nợ). Tính đến cuối tháng 9/2018, giá trị trái phiếu ròng VAMC còn lại của HDBank tổng cộng đạt 717 tỷ đồng, giảm 10,8% so với cuối tháng 06/2018. Chi phí dự phòng 9 tháng đầu năm giảm mạnh 14,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Với tình hình này, VCSC giữ nguyên giả định HDBank sẽ giải quyết xong trái phiếu VAMC trong năm 2019.