Theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Hải quan, sau 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 26,17 tỷ USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2021 (tương đương tăng hơn 1,6 tỷ USD).
Trong khi đó, chiều ngược lại, nhập khẩu từ Trung Quốc đã lên đến 61,12 tỷ USD, tăng 14,63% (tương đương tăng 7,8 tỷ USD).
Với việc quy mô và tốc độ tăng trưởng nhập khẩu lớn hơn nhiều xuất khẩu, mức nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc trong nửa đầu năm đã tăng lên xấp xỉ 35 tỷ USD, tăng hơn 20% so với mức gần 29 tỷ USD của cùng kỳ 2021; đạt xấp xỉ 65% số nhập siêu từ quốc gia này trong cả năm liền kề.
Nguồn Tổng cục Hải quan. Đơn vị: Tỷ USD.
Sau 6 tháng đầu năm, đã có đến 12 nhóm hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên. Trong đó có 2 nhóm hàng đạt hơn 10 tỷ USD là: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với 12,5 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng 11,9 tỷ USD.
Cũng đồng nghĩa, chỉ với nửa đầu năm, có tới 12/17 nhóm hàng nhập khẩu tỷ USD của Việt Nam từ Trung Quốc trong năm 2021 đã cán mốc nhập khẩu trên 01 tỷ USD.
Ngoài ra, một số mặt hàng khác như sơ, sợi; dây và cáp điện; kim loại thường hay phụ tùng ô tô... nhập khẩu cũng đã ở mốc 638 triệu USD tới gần 840 triệu USD.
Chiều ngược lại, sau 6 tháng đầu năm, đã có 5 nhóm hàng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc đạt 1 tỷ USD trở lên gồm: điện thoại các loại và linh kiện với 6,45 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với 5,89 tỷ USD; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện đạt 1,6 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 1,48 tỷ USD; xơ, sợi dệt 1,31 tỷ USD.
Có thể thấy là gần như toàn bộ các nhóm hàng xuất khẩu tỷ USD trên của Việt Nam đều xuất hiện trong nhóm nhập siêu lại từ Trung Quốc với giá trị lớn hơn rất nhiều.
Trong khi đó, nhóm các mặt hàng nông nghiệp chủ lực của Việt Nam thì chưa có đại diện nào xuất hiện trong nhóm xuất khẩu tỷ USD vào thị trường Trung Quốc sau 6 tháng. Tích cực nhất có nhóm rau quả, thủy sản và cao su với giá trị xuất khẩu từ gần 800 triệu tới 900 triệu USD.
Nguồn Tổng cục Hải quan. Đơn vị: Tỷ USD. |
NHẬP SIÊU KHÔNG PHẢI MỚI "MỘT SỚM MỘT CHIỀU"
Nhìn lại thống kê trong thập kỷ qua, hay kể cả giai đoạn trước đó, Việt Nam luôn trong trạng thái nhập siêu từ Trung Quốc. Giá trị tuyệt đối ngày càng được doãng rộng, đồng thời tỷ trọng trong phần nhập siêu với các đối tác lớn cũng không ngừng tăng lên.
Đơn cử, ở năm gần nhất, theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, Việt Nam chi tới 109,87 tỷ USD để mua hàng hóa từ Trung Quốc, tăng 30,5% so với năm 2020. Trong năm 2021, Trung Quốc chiếm trên 33% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước, cao gấp gần 2 lần so với thị trường đứng thứ hai là Hàn Quốc.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 55,95 tỷ USD, tăng 14,5% so với năm 2020 và chiếm 16,6% kim ngạch xuất khẩu cả nước. Đồng nghĩa, trong năm 2021, Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc tới gần 54 tỷ USD, cao hơn năm 2020 giá trị 18,8 tỷ USD.
Các nhóm hàng nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm tỷ lệ cao chủ yếu là máy móc, thiết bị. Ngoài ra, còn có các mặt hàng khác như ô tô tải, linh kiện phụ tùng ô tô tải, vải may mặc các loại, máy tính, linh kiện điện tử, dụng cụ, sắt thép, phân bón, nguyên phụ liệu dệt may, nguyên liệu gia công hàng xuất khẩu, da giày, hàng tiêu dùng…
Trong khi đó, ngược lại hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc lại chủ yếu là nhóm hàng nguyên liệu thô, nông sản - lâm sản - thủy hải sản... với giá trị gia tăng không cao.
Dữ liệu do BizLIVE tổng hợp từ Tổng cục Thống kê, Tổng cục Hải quan. Đơn vị: Tỷ USD. |
Về câu chuyện nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc, các chuyên gia đã không ít lần lên tiếng đưa ra bình luận.
Trong đó, họ thống nhất nguyên nhân chính rằng việc nhập siêu từ Trung Quốc tăng mạnh do Việt Nam cần nguyên phụ liệu sản xuất khi Trung Quốc đang là công xưởng của thế giới trong việc cung cấp nguyên, phụ liệu cho toàn cầu. Và không chỉ riêng Việt Nam, nhiều quốc gia khác trên thế giới, kể cả Mỹ hay Châu Âu cũng đều phụ thuộc vào hàng hóa, nguyên liệu giá rẻ từ Trung Quốc.
"Lợi thế của Trung Quốc có quy mô sản xuất lớn, công suất cao, lực lượng lao động đông, chi phí lại thấp. Bên cạnh đó, họ có nền khoa học phát triển. Với thị trường Việt Nam, hàng hóa Trung Quốc sang Việt Nam có chi phí logistics thấp hơn nhiều thị trường khác vì gần...", PGS.TS Nguyễn Thường Lạng từ Viện Thương mại và kinh tế cho biết trong một chia sẻ gần đây trên Thanh Niên.