CTCP Thế giới số (Digiworld, DGW) kết thúc nửa đầu năm 2019 khá ấn tượng với doanh thu thuần đạt 3.378 tỷ, tăng 28% và LNST cổ đông công ty mẹ đạt 61 tỷ, tăng 46% so với cùng kỳ năm 2018. Đóng góp phần lớn đà tăng trưởng là mảng hàng tiêu dùng (mảng mới) với tốc độ 170% từ mức cơ sở nửa đầu năm 2018 khá thấp.
Biên lãi từ hoạt động kinh doanh cũng tăng mạnh lên mức 2,3%, so với con số 1,5% của cùng kỳ, giới phân tích nhận định kết quả này chủ yếu dựa vào (i) gia tăng tỷ trọng mảng hàng tiêu dùng có biên lãi gộp cao; và (ii) giá bán trung bình tăng, cùng với chi phí hoạt động trên mỗi đơn vị đi ngang đã giúp tối ưu hóa chi phí hoạt động/ doanh thu thuần.
Đặc biệt, Digiworld đã thông qua việc phát hành trái phiếu kèm chứng quyền, tỷ lệ lãi suất dự kiến là khoảng 7-8%. Vốn tăng thêm 150 tỷ đồng dự kiến dùng để tài trợ một số hoạt động M&A trong mảng hàng tiêu dùng và thâm nhập vào các mảng hàng mới (TV thông minh).
Trong báo cáo cập nhật mới đây, Chứng khoán SSI còn cho rằng nửa đầu năm Digiworld thu về mức lợi nhuận cao bởi hợp đồng mới giữa Digiworld và các thương hiệu mới trong quý 4/2018, đặc biệt là Nokia và Nestlé, đi cùng tăng trưởng đơn hàng với các hãng hiện tại.
SSI cũng nhấn mạnh, lợi thế của dịch vụ mở rộng thị trường (MES) đã giúp Digiworld giành được nhiều hợp đồng mới, bằng việc cung cấp tất cả các dịch vụ cần thiết cho nhà sản xuất để phân phối sản phẩm của họ đến người tiêu dùng cuối cùng.
Trong đó, Digiworld đảm nhận chuỗi công việc gồm: (1) phân tích thị trường & lập kế hoạch, (2) tiếp thị, (3) nhập khẩu, lưu kho, hậu cần, (4) bán hàng & phân phối, (5) dịch vụ sau bán hàng.
Digiworld đã sớm cung cấp dịch vụ mở rộng cho phân khúc ICT tại Việt Nam, Công ty bắt đầu hợp tác với Acer từ năm 2001. Đến năm 2018, Digiworld chính thức mua lại của CL Company Limited, đối tác duy nhất tại Việt Nam của Lion Corporation - một tập đoàn hàng đầu của Nhật Bản trong ngành hàng tiêu dùng nhanh.
Dự báo thời gian tới, giới quan sát kỳ vọng biên lãi Công ty tiếp tục đi lên nhờ (i) gia tăng tỷ trọng mảng hàng tiêu dùng; và (ii) giảm thiểu chiến lược "flash sales" như đã vận dụng trong giai đoạn thâm nhập sớm của Xiaomi vào thị trường Việt Nam, đảm bảo biên lợi nhuận gộp điện thoại di động tốt hơn.
Song song, những động lực tăng trưởng bên ngoài phải kể đến, theo Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), gồm:
+ Thị trường laptop tiếp tục quá trình hợp nhất, kết hợp với chiến lược "trend-catching" của Công ty đảm bảo vị trí dẫn đầu thị trường của Công ty trong mảng này;
+ Giới thiệu các mẫu điện thoại mới của Xiaomi thành công tiếp tục ghi nhận kết quả kinh doanh trong thời gian tới, cùng với đóng góp đầy đủ hơn từ Nokia;
+ Mảng thiết bị văn phòng tiếp tục ghi nhận tăng trưởng tốt, dẫn dắt bởi gia tăng nhu cầu mạnh mẽ nhờ vào chiến lược chuyển đổi số của Chính phủ với các doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng với xu hướng gia tăng làn sóng các công ty FDI vào Việt Nam.