Hái quả ngọt từ Xiaomi, xuất hiện "chân thứ ba" hứa hẹn mang lại doanh thu nghìn tỷ
CTCP Thế giới số ( Digiworld , mã chứng khoán DGW) tiếp tục đat tăng trưởng đều đặn sau 9 tháng đầu năm.
Kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm, Digiworld đạt doanh thu 4.383 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 78 tỷ đồng, lần lượt tăng gần 63% và 38% so với cùng kỳ.
Xiaomi đã mang lại "quả ngọt" cho Digiworld. Nhờ hợp đồng phân phối độc quyền cho hãng này, ngành hàng điện thoại di động của Digiworld đã tăng vọt 294%, lên gần 1.800 tỷ đồng, đóng góp chính vào doanh thu 9 tháng của công ty.
Ngành hàng máy tính xách tay và máy tính bảng đạt doanh thu 1.766 tỷ đồng, tăng nhẹ 3% bất chấp doanh số thị trường này đang giảm 14% tính đến tháng 8, theo báo cáo của GfK.
Hai ngành hàng trên trước nay được xem như "hai chân trụ" trong hoạt động kinh doanh của Digiworld.
Digiworld vẫn còn một "chân thứ ba" - một ngành hàng tăng trưởng âm thầm, nhưng khá đều đặn - ngành thiết bị văn phòng.
9 tháng đầu năm, ngành hàng này đạt 797 tỷ đồng doanh thu, tăng mạnh 57% so với cùng kỳ và hoàn thành 80% kế hoạch cả năm. Digiworld ước tính doanh thu mảng thiết bị văn phòng cán mốc nghìn tỷ đồng trong năm 2018.
Theo phân tích của Chứng khoán Đại Nam, mảng này được dự báo sẽ vẫn duy trì đà tăng khi mà trên thị trường không có nhiều đối thủ mạnh cạnh tranh với Digiworld, đồng thời đối tác cũng liên tục ra các sản phẩm mới.
Báo cáo của BMI cho rằng Việt Nam là một trong những quốc gia có triển vọng tăng trưởng tốt nhất tại châu Á - Thái Bình Dương giai đoạn 2018 - 2021, trong đó lĩnh vực IT được dự báo phát triển mạnh mẽ.
Dự báo, doanh thu phần cứng máy tính sẽ tăng từ 37.300 tỷ đồng năm 2018 lên 44.600 tỷ đồng vào năm 2021, tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) đạt 6,2%. Đây là môi trường tuyệt vời để các doanh nghiệp như Digiworld có cơ hội đẩy mạnh thị phần và gia tăng doanh số trong mảng thiết bị văn phòng.
Lợi thế cạnh tranh của Digiworld - MES và "ẩn số" Nokia
Phân tích lợi thế cạnh tranh của Digiworld trong hoạt động phân phối các mặt hàng công nghệ, CTCP Chứng khoán Vietinbank (CTS) cho rằng hiện Digiworld đã phát triển gần như hoàn thiện hệ thống dịch vụ MES (Market Expand Service - dịch vụ phát triển thị trường) gồm 5 công đoạn: Nghiên cứu thị trường – Marketing – Phân phối, bán hàng – Logistics – Dịch vụ bảo hành, hậu mãi. Điều này đáp ứng nhu cầu của các nhà sản xuất nước ngoài có nhu cầu thuê outsourcing để bán sản phẩm.
Nguồn: CTS.
Khác với Digiworld, các nhà phân phối và nhà bán lẻ có khả năng nhập khẩu trực tiếp từ nhà sản xuất hầu hết đều chỉ bán các thương hiệu có tiếng sẵn như Apple, Samsung, Oppo chứ không mạnh về phát triển thương hiệu sản phẩm mới. Ở Việt Nam hiện ngoài một số thương hiệu bán lẻ lớn như MWG, MediaMart, … có khả năng nhập hàng công nghệ (máy tính, điện thoại) trực tiếp từ nhà sản xuất nước ngoài thì hầu hết vẫn phải nhập từ các công ty phân phối trung gian.
Các công ty phân phối lớn gồm Digiworld, FPT Trading (nay đã đổi thành FPT Synex) và PSD, tuy nhiên có duy nhất DGW là có dịch vụ nghiên cứu thị trường cho nhà sản xuất và marketing sản phẩm, các công ty còn lại chỉ nhập khẩu phân phối đơn thuần.
Bên cạnh đó, Digiworld cũng đang đa dạng hóa danh mục sản phẩm, mà thương vụ hợp tác chiến lược với "ngôi vương điện thoại" một thời Nokia mới đây cũng được kỳ vọng sẽ đem lại doanh thu lớn cho ngành hàng điện thoại.
Ông Đoàn Hồng Việt, CEO của Digiworld cho biết sẽ bán các sản phẩm của Nokia trong Quý 4 và việc ghi nhận lợi nhuận trọn vẹn sẽ đến từ đầu năm sau.
Theo số liệu của GfK, nếu tính về số lượng người dùng mới 7 tháng đầu năm (cả smartphone và điện thoại cơ bản), Nokia đứng số 1 thị trường với hơn 25% thị phần, tăng gần 6% so với cùng kỳ năm 2017.