Khi đội quân các nhà đầu tư "tay mơ" đã xuất hiện ở thị trường chứng khoán trên khắp thế giới, trong bối cảnh đại dịch bùng phát, thì "cơn sốt" này ở thị trường chứng khoán Hàn Quốc lại ở một cấp độ hoàn toàn khác.
Theo số liệu được Korea Exchange cung cấp, các day trader đã chiếm 87,5% tổng giá trị giao dịch cổ phiếu của quốc gia này từ đầu tháng này đến ngày 8/9. Trong khi đó, hồi tháng 3, con số này là 51,4%.
Nổi tiếng với xu hướng đầu tư ưa mạo hiểm, các nhà đầu tư nhỏ lẻ dường như đã mạnh tay đến mức thay đổi cả diễn biến của thị trường chứng khoán Hàn Quốc. Họ là nhóm tạo lực đẩy cho đà hồi phục 64% của chỉ số Kospi từ mức thấp nhất hồi tháng 3, giúp Kospi ghi nhận diễn biến khởi sắc nhất châu Á trong khoảng thời gian này. Ngoài ra, nhóm này còn mua ròng 25,6 nghìn tỷ won (21,6 tỷ USD) cổ phiếu kể từ đó, ngay cả khi các quỹ nước ngoài và nhà đầu tư tổ chức chốt lời.
Tại Mỹ, các nhà đầu tư tạo nên "cơn sốt" mang tên Robinhood cũng chiếm khoảng 20% giao dịch cổ phiếu tại thị trường chứng khoán Mỹ, tăng từ mức 15% trước đây, theo phân tích của Bloomberg Intelligence.
You Seung-Min – chiến lược gia trưởng tại Samsung Securities Co., nhận định: "Các nhà đầu tư nhỏ lẻ dường như đang tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn sau khi nghe tin những ‘người hàng xóm’ đã thu về rất nhiều tiền từ chứng khoán sau đợt bán tháo hồi tháng 3."
Khối lượng giao dịch được thực hiện bởi nhà đầu tư bán lẻ trên thị trường chứng khoán Hàn Quốc từ tháng 3 đến đầu tháng 9.
Trong khi đó, hoạt động của các nhà đầu tư ngắn hạn tại Hàn Quốc trong tháng 9 không chỉ giới hạn ở những cổ phiếu vốn được số đông ưa thích hoặc những công ty ngành chăm sóc sức khỏe. Họ còn đổ tiền vào nhóm cổ phiếu bluechip như Samsung – với giá trị giao dịch khoảng 81% vào tháng này tính đến ngày 8/9, và SK Hynix là gần 76%.
You cho hay: "Không như trước đây, họ đang đầu tư vào những cổ phiếu vốn hóa lớn vì tin rằng một số doanh nghiệp quy mô lớn có thể kiếm được lợi nhuận trong bối cảnh dịch bệnh lây lan."
Chưa dừng ở đó, nhóm nhà đầu tư nhỏ lẻ còn tìm đến thị trường IPO. Một báo cáo cho thấy, lượng đặt mua cổ phiếu của Kakao Games cao gấp 1.524 lần so với số cổ phiếu lưu hành khi công ty này chuẩn bị niêm yết. Cổ phiếu của công ty này đã tăng 160% so với giá IPO vào hôm 10/9 tại Seoul. Theo Korea Exchange, nhà đầu tư ngắn hạn chiếm gầm 65% giá đầu tư cổ phiếu tại Kospi trong năm nay, trong khi năm 2019 là 47,5%.
Kospi và Kosdaq ghi nhận diễn biến vượt trội so với thị trường chứng khoán châu Á.
Theo số liệu từ Hiệp hội Đầu tư Tài chính Hàn Quốc (KFIA), tổng dư nợ margin của các nhà đầu tư nhỏ lẻ tại Hàn Quốc đã tăng lên mức kỷ lục 16,9 nghìn tỷ won tính đến ngày 8/9. Hôm 3/9, Shinhan Investment Corp. cho biết công ty sẽ dừng cơ chế cho phép nhà đầu tư giao dịch cổ phiếu dùng tiền vay vì mục tiêu quản trị rủi ro, bởi công ty đã đạt đến ngưỡng giới hạn của dịch vụ cho phát vay.
Trong tháng này, thị trường chứng khoán Hàn Quốc đã chứng kiến các day trader thực hiện tới hơn 95% giá trị giao dịch, trong đó có động thái đầu tư vào các công ty Foosung Co., Doosan Heavy Industries & Construction Co. và Shin Poong Pharmaceutical Co. – một công ty đang phát triển vắc-xin Covid-19 và cổ phiếu tăng 1.900% từ đầu năm đến nay.
Trong khi đó, sự hiện diện ngày càng lớn của nhóm nhà đầu tư "tay mơ" đang khiến một số khác lo ngại về rủi ro mà họ có thể gây ra cho cả thị trường , nếu nhóm này rút tiền đột ngột. Kim Daejun – nhà phân tích tại Korea Investment & Securities Co. cho hay: "Ảnh hưởng của các nhà đầu tư nhỏ lẻ đối với thị trường chứng khoán đang tăng đáng kể từng ngày."
Tham khảo Bloomberg