Sau nửa đầu năm thăng hoa rực rỡ, chứng khoán Việt Nam đã bước vào nhịp điều chỉnh từ đầu tháng 7. Từ mức đỉnh 1.420 điểm được thiết lập vào đầu tháng, VN-Index đã liên tiếp xuyên thủng các mốc tâm lý 1.400 điểm rồi 1.300 điểm và kết thúc phiên 27/7 chỉ còn 1.276,93 điểm, tương ứng mức giảm 9,34%.
Các nhóm cổ phiếu "nóng" như "Bank, chứng, thép" đã suy yếu rõ rệt và là nguyên nhân chính kéo thị trường giảm sâu. Trong bối cảnh thị trường chung không quá thuận lợi, vẫn xuất hiện một vài nhóm cổ phiếu khá tích cực, thậm chí đi ngược xu hướng chung, trong đó có thể kể tới nhóm cổ phiếu Viettel.
Cổ phiếu "họ Viettel" ngược dòng thị trường trong tháng 7
Hiện có 4 cổ phiếu "họ Viettel" đang giao dịch trên sàn chứng khoán, bao gồm Viettel Global (VGI), Viettel Post (VTP), Viettel Construction (CTR) và Viettel Thiết kế (VTK). Trong số 4 cổ phiếu kể trên, ngoại trừ VGI giảm do ảnh hưởng bởi thị trường Myanmar, các cổ phiếu khác đều có biến động tích cực hơn thị trường trong tháng 7, thậm chí CTR còn lập đỉnh mới.
Cụ thể, tính từ đầu tháng 7 tới nay, VTK không có nhiều biến động khi giữ nguyên vùng giá 32.000 đồng/cp. Trong khi đó, VTP sau nhịp giảm khá mạnh đầu năm đã hồi phục khá tốt trong những tháng gần đây. Kết thúc phiên giao dịch 27/7, thị giá VTP đạt 89.000 đồng/cp, tăng 8% so với đầu tháng và hiện đang ở vùng đỉnh lịch sử.
Biến động cổ phiếu VTP
CTR là cổ phiếu có diễn biến nổi bật hơn cả khi đóng cửa phiên giao dịch 27/7 tại mức giá 81.600 đồng/cp, đây cũng là mức giá cao nhất (tính theo giá điều chỉnh) từ khi lên sàn chứng khoán tới nay. Tại mức giá này, CTR tăng 15,3% so với đầu tháng và tăng gần 53% so với đầu năm.
Biến động cổ phiếu CTR
Kết quả kinh doanh khả quan bất chấp ảnh hưởng Covid-19
Động lực chính thúc đẩy đà tăng của cổ phiếu "họ Viettel" là KQKD tăng trưởng tích cực, bất chấp ảnh hưởng của dịch Covid-19. Theo số liệu được công bố, trong 6 tháng đầu năm, Viettel Post đạt doanh thu 10.450 tỷ đồng, tăng trưởng 53% so với cùng kỳ năm trước, trong khi Lợi nhuận trước thuế đạt 275 tỷ đồng, tăng trưởng 10%.
Trong khi đó, Viettel Construction công bố báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm với doanh thu 3.546 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 153 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 32% và 55% so với cùng kỳ năm trước. Tính riêng quý 2/2021, lợi nhuận sau thuế Viettel Construction đạt 81,4 tỷ đồng, tăng mạnh 71% so với cùng kỳ 2020.
Đáng chú ý, hoạt động kinh doanh của 2 doanh nghiệp Viettel kể trên vẫn duy trì tích cực trong mùa dịch Covid-19.
Mới đây, Viettel Post đã đang làm việc với các hệ thống siêu thị trên địa bàn Hà Nội đề nghị đảm trách vận chuyển các đơn hàng online của siêu thị đến người tiêu dùng trong thời gian thành phố thực hiện giãn cách xã hội.
Bên cạnh đó, Viettel Post cũng hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản, đặc biệt tại các vùng dịch như Hải Dương, Bắc Giang…Viettel Post cho biết sàn thương mại điện tử Vỏ Sò của công ty đã ghi nhận kết quả kinh doanh nửa đầu năm tăng trưởng 168%.
Với Viettel Construction, doanh nghiệp này với đặc thù hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực vận hành, khai thác viễn thông, là ngành vực thiết yếu nên cũng không chịu nhiều ảnh hưởng từ dịch Covid-19. Điều này đã được chứng minh qua 3 làn sóng Covid-19 trước đây. Không những vậy, Viettel Construction còn là đơn vị lắp đặt hệ thống camera giám sát tại các cơ sở cách ly trên toàn quốc.
Cùng với hoạt động kinh doanh khả quan, Viettel Post và Viettel Construction còn là 2 doanh nghiệp chi trả cổ tức cao. Mới đây, Viettel Post đã thực hiện chi trả cổ tức năm 2020 với tỷ lệ gần 40%, bao gồm 15% cổ tức bằng tiền và 24,7% bằng cổ phiếu.
Với Viettel Construction, doanh nghiệp này cũng chi trả cổ tức năm 2020 với tỷ lệ gần 40%, bao gồm 10% cổ tức bằng tiền và 29,5% cổ tức bằng cổ phiếu, cao hơn nhiều so với kế hoạch ĐHCĐ năm 2020 thông qua với tỷ lệ cổ tức chỉ khoảng 26%.
Bên cạnh đó, tại ĐHCĐ năm 2021, cả Viettel Post và Viettel Construction đều thông qua kế hoạch chuyển sàn niêm yết sang HoSE và đây là yếu tố thu hút sự quan tâm của giới đầu tư, đặc biệt các nhà đâu tư tổ chức.
Nhiều sản phẩm kinh doanh mới giàu tiềm năng
Một điểm khiến bộ đôi VTP, CTR hấp dẫn sự quan tâm của giới đầu tư là việc tung ra nhiều sản phẩm, lĩnh vực kinh doanh mới giàu tiềm năng.
Với Viettel Post, công ty hiện đang đẩy mạnh chiến lược triển khai dịch vụ Thương mại điện tử xuyên biên giới, thời gian qua đã có hơn 1.000 đơn hàng được Viettel Post vận chuyển tới các nước EU. Bên cạnh đó, Viettel Post cũng triển khai mô hình "bưu cục số" với chỉ 1 nhân sự điều hành. Số lượng bưu cục số được mở mới đến hết Q2/2021 là trên 1.100, vượt 16,8% so với mục tiêu; phủ kín 100% quận huyện trên toàn quốc.
Ngoài ra, Viettel Post cũng phát triển mô hình điểm thu gom hàng hóa, giúp gia tăng tương tác với khách hàng, đưa dịch vụ đến gần khách hàng, giảm chi phí vận hành, mang thương hiệu Viettel Post đến mọi vùng miền trên cả nước. Số lượng điểm thu gom là 2.376 điểm, tăng 583% so với cùng kỳ năm 2020. Mục tiêu đến cuối năm 2021, số điểm thu gom của Viettel Post trên toàn quốc sẽ tăng lên 5.000 điểm.
Với Viettel Construction, trong những năm gần đây, doanh nghiệp đã đẩy mạnh hoạt động kinh doanh sang các lĩnh vực ngoài vận hành, khai thác, xây lắp viễn thông như giải pháp tích hợp, xây dựng dân dụng, hạ tầng cho thuê, công nghệ thông tin,…và điều này đã mang lại kết quả tăng trưởng ấn tượng cho công ty.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, lĩnh vực Vận hành khai thác nhà trạm vẫn mang lại nguồn thu lớn nhất cho công ty với 1.982 tỷ đồng trong nửa đầu năm, tăng trưởng 24%; Lĩnh vực xây lắp mang về doanh thu 796 tỷ đồng, tăng trưởng 34%; Lĩnh vực Giải pháp tích hợp đem về doanh thu 680 tỷ đồng, tăng trưởng 41%.
Lĩnh vực kinh doanh Bất động sản đầu tư (Hạ tầng cho thuê) cũng tăng trưởng ngoạn mục với doanh thu 88,3 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, gấp gần 6 lần cùng kỳ năm trước. Trong đó, riêng quý 2/2021, doanh thu hạ tầng cho thuê đạt gần 49 tỷ đồng, tăng 23% so với quý trước và tăng 328% so với cùng kỳ 2020.
Hạ tầng cho thuê hiện là mảng kinh doanh mang lại biên lợi nhuận tốt nhất cho Viettel Construction với biên lãi gộp thường trên 30%. Tuy nhiên trong quý 2/2021, biên lãi gộp mảng này đã tăng lên mức kỷ lục 41%.
Được biết riêng trong quý 2, Viettel Constrution đã đầu tư xây dựng gần 500 trạm BTS, nâng lũy kế số trạm sở hữu hiện lên 1.234 trạm. Trong năm 2021, Viettel Constrution đặt kế hoạch hoàn thành triển khai mới 2.102 trạm BTS và công ty cho biết sẽ nỗ lực hoàn thành mục tiêu trong nửa cuối năm. Ngoài trạm BTS, Viettel Construction hiện sở hữu 2.600km cáp quang treo, 4 tuyến cống bể ngầm, phủ sóng di động tòa nhà với gần 3 triệu m2 và 47 hệ năng lượng mặt trời công suất 17,7MWp.