Ý kiến như vậy được đưa ra trong quá trình góp ý cho dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CB, CC và Luật VC đang được Bộ Nội vụ lấy ý kiến công khai, rộng rãi. Tuyệt đại đa số các ý kiến đều tán thành với việc bổ sung quy định xử lý kỷ luật đối với CB, CC, VC đã nghỉ hưu, nghỉ việc hoặc đã chuyển công tác nhưng có hành vi vi phạm trong thời gian công tác.
Tuy nhiên, điều gây băn khoăn và khó hiểu là có ý kiến đề nghị cân nhắc về phạm vi áp dụng đối với đối tượng trên, chỉ nên áp dụng quy định đối với những người giữ chức vụ, quyền hạn nhất định mà không quy định chung đối với tất cả đội ngũ CB, CC, VC đã nghỉ hưu, nghỉ việc hoặc chuyển công tác. Cụ thể hơn là chỉ quy định xử lý kỷ luật đối với CB, CC giữ chức vụ lãnh đạo từ cấp thứ trưởng và tương đương trở lên ở trung ương; cấp phó chủ tịch tỉnh và tương đương trở lên ở địa phương.
Đúng là khó có thể tán đồng với những ý kiến như trên. CB, CC, VC nghỉ hưu, nghỉ việc, chuyển công tác một khi đã phát hiện có vi phạm khi trước đó thì đương nhiên phải bị xử lý nghiêm minh theo quy định, chứ sao lại chỉ ở cấp thứ trưởng và tương đương mới bị xử lý kỷ luật. Vậy với những cấp thấp hơn thì sao? Chưa biết những ý kiến này có giải thích gì khi đưa ra đề nghị về phạm vi xử lý kỷ luật ở cấp thứ trưởng và tương đương trở lên. Có thể nếu quy định xử lý kỷ luật đối với tất cả CB, CC, VC có hành vi vi phạm trong quá trình công tác nay đã nghỉ việc hoặc nghỉ hưu sẽ phải thụ lý và giải quyết một số lượng khá lớn. Cũng có thể những vi phạm ở cấp thấp hơn thì hậu quả gây ra không quá nghiêm trọng... Tuy nhiên, nếu quy định chỉ cấp nào trở lên mới bị xử lý sẽ mặc nhiên tạo ra những trường hợp ngoại lệ, bất công. Cùng vi phạm, sao có người bị xử lý, người không?
Trước đây, dư luận từng lên tiếng và rất bất bình khi thấy CB, CC, VC được xem là " hạ cánh an toàn " khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác bất chấp trước đó có những vi phạm, gây hậu quả nghiêm trọng lúc đương chức. Chính điều này đã làm giảm đáng kể sự răn đe đối với những CB, CC, VC lúc đương chức, khiến nhũng nhiễu, tiêu cực, tham ô thêm trầm trọng.
Nếu ai cũng ý thức được rằng nếu vi phạm chắc chắn sẽ bị xử lý nghiêm minh dù đã "hạ cánh" hay chuyển công tác thì họ tất phải suy nghĩ, chùn tay trước hành vi vi phạm. Thêm nữa, không nên có những quy định làm giảm sự răn đe với cấp thấp hơn khi đương chức. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước từng nhấn mạnh phải tập trung xử lý vấn đề tham nhũng vặt bởi "như ghẻ ruồi rất khó chịu" và nếu không ngăn chặn nạn tham nhũng vặt sẽ làm hư hỏng cán bộ.
Nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng và nhà nước trong phát biểu mới đây đã khẳng định quyết tâm chống tham nhũng là "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai". Vậy vì sao lại chỉ có cấp thứ trưởng trở lên mà không phải tất cả CB, CC, VC nếu vi phạm, dù lúc nào hay ở đâu, mới bị xử lý kỷ luật? Sao lại để có những trường hợp có thể đã "hạ cánh" là "an toàn" như vậy?