Tháng 6/2019, tờ Undercurrentnews đưa tin Minh Phú bị cáo buộc tránh thuế chống bán phá giá tại Mỹ. Tờ này trích dẫn trong bức thư gửi cho ủy viên Cục Hải quan và Biên phòng (CBP) ông Kevin McAleenan, đại diện của bang Illinois - ông Darin LaHood cho biết đã nhận được một đơn kiện bằng thư điện tử vào ngày 12/5 liên quan tới việc Tập đoàn Minh Phú tránh thuế chống bán phá giá với tôm Ấn Độ tại Mỹ.
Theo nội dung này, Minh Phú Group nhập khẩu tôm lạnh từ Ấn Độ, xử lý "một cách tối thiểu" ở Việt Nam và xuất khẩu sang Mỹ dưới mác Việt Nam để trốn thuế, gây thiệt hại đối với ngành sản xuất trong nước và gây nguy hiểm cho người tiêu dùng Mỹ.
Tuy nhiên đến ngày hôm qua 5/9, cũng chính tờ báo này cho rằng Minh Phú đã nói chuyện lại với Cục Hải quan và Biên Phòng Mỹ (CBP) nhưng không có một cáo buộc chính thức nào và cũng không có kế hoạch kiểm toán nào được đưa ra, sau những cáo buộc nhằm vào Minh Phú cách đây hơn 3 tháng.
Chia sẻ bên lề hội chợ Vietfish tại TP.HCM, Chủ tịch Minh Phú ông Lê Văn Quang cho biết CBP đã liên lạc nhưng chưa có chuyến thăm nào được lên lịch.
Undercurrentnews cho biết văn phòng của LaHood (đại diện bang Illinois) và CBP không trả lời các yêu cầu bình luận về bất kỳ cuộc điều tra theo ké hoạch nào, hoặc để xác nhận cáo buộc điện tử đã thực sự được đệ trình.
Chủ tịch Minh Phú cho biết công ty cảnh giác với nhận thức của người tiêu dùng rằng các cáo buộc có thể có, và cả về cách một số phương tiện truyền thông đã báo cáo vấn đề theo những cách khác có thể khiến người tiêu dùng hiểu sai về tình huống này. Công ty vẫn tự tin trước bất kỳ cuộc điều tra nào và Chủ tịch Minh cho biết ông đã nhìn thấy một số tác động tích cực tại Việt Nam sau câu chuyện này.
"Chính phủ đã quan tâm nhiều hơn đến việc tăng sản lượng tôm Việt Nam. Chương trình này đã và đang diễn ra nhưng sự cố này đã tạo thêm động lực. Các công ty khác cũng tăng đầu tư vào việc mở rộng trang trại nuôi tôm.
Minh Phú đang nhắm đến mục tiêu tăng sản lượng canh tác. Ưu tiên hàng đầu của công ty là đầu tư vào trang trại, với mục tiêu có thể tự chủ được nguồn nguyên liệu. Kế hoạch đặt ra của Minh Phú sẽ đầu tư khoảng 90,7 triệu USD để nâng lên 1.400 ao với sản lượng 31.000 tấn.
Chủ tịch của Minh Phú cũng lưu ý rằng trong tháng 8/2019, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã loại bỏ thuế chống bán phá giá đối với hơn 30 nhà xuất khẩu tôm của Việt Nam trong đợt đánh giá mới nhất.
"Chúng tôi nhận thấy rằng Mỹ đã đối xử công bằng và ủng hộ các nhà xuất khẩu Việt Nam, đồng ý rằng không có việc bán phá giá xảy ra", ông Quang nói. Ông này cũng cho biết thời gian miễn thuế trong vòng 12 tháng tới sẽ tạo cơ hội cho các nhà sản xuất tôm tăng sản lượng bán hàng cho khách hàng Mỹ.
"Tình hình đã ổn định trở lại, thời kỳ này có đủ thời gian để các công ty cân nhắc việc đầu tư mới vào các ao nuôi, sẽ mất 2-3 tháng để xây dựng và sau đó cần 3 tháng tiếp theo để thu hoạch sau khi thả giống. Do đó đây là cơ hội", Chủ tịch Minh Phú nói.
Theo số liệu của Vasep, tháng 7/2019, lần đầu tiên kể từ đầu năm đến nay, xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt tăng trưởng dương. Riêng tháng 7/2019, XK tôm đạt trên 334 triệu USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2018. Bảy tháng đầu năm 2019, XK tôm Việt Nam đạt 1,8 tỷ USD, giảm 8% so với cùng kỳ năm 2018. Tốc độ giảm đã chậm lại nhờ XK tăng trưởng dương trong tháng 7. XK tôm Việt Nam kỳ vọng đạt những kết quả tích cực hơn trong những tháng cuối năm.
Giá tôm nguyên liệu và giá tôm XK không còn giảm mạnh như những tháng đầu năm và đã có chiều hướng tăng, nhu cầu thị trường đã sôi động hơn là một trong những yếu tố giúp XK tôm Việt Nam tăng trưởng tích cực trong tháng 7/2019.
Tháng 7/2019, XK tôm của Việt Nam sang top 8 thị trường NK chính (gồm EU, Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Canada, Australia, Đài Loan) đều tăng trưởng dương. Đáng chú ý, XK tôm sang EU và Hàn Quốc cũng ghi nhận tháng đầu tiên tăng trưởng dương sau khi tăng trưởng âm liên tục kể từ đầu năm nay. XK sang Trung Quốc và Mỹ tăng trưởng tốt, đạt mức hai con số.