Về "cơ chế" xóa nợ, che nợ tại CIC
Lãnh đạo CIC khẳng định, không có một cơ chế nào về việc xóa nợ xấu tại CIC, không có bất kỳ một tổ chức hay cá nhân nào có thể thực hiện được việc này. Tất cả các thông tin của khách hàng tại CIC được cập nhật/lưu trữ trung thực, khách quan đúng theo các thông tin được các TCTD báo cáo. CIC hay bất kỳ tổ chức/cá nhân nào đều không được phép tự ý điều chỉnh các thông tin này.
Các trường hợp cần điều chỉnh dữ liệu của khách hàng (trong trường hợp có sai sót, nhầm lẫn) tại CIC đều phải tuân thủ những quy trình chặt chẽ tại Thông tư 03/2013/TT-NHNN ngày 28/1/2013 về hoạt động thông tin tín dụng của Ngân hàng Nhà nước và các quy định nội bộ của CIC (Quyết định số 240/QĐ-TTTD ngày 20/11/2019 của CIC).
Theo đó, CIC chỉ điều chỉnh dữ liệu của khách hàng khi nhận được văn bản yêu cầu từ TCTD (do tổng giám đốc hoặc người được ủy quyền ký), trong đó nêu rõ lý do sai sót. Ngoài ra, không có bất cứ một "cơ chế" xoá nợ xấu, điều chỉnh nhóm nợ nào khác. Khách hàng cần đặc biệt cẩn trọng với các hình thức "xóa nợ" lừa đảo đang được quảng cáo hiện nay để không bị mất tiền oan cho các dịch vụ này.
Cán bộ CIC giải đáp trực tiếp những thắc mắc về thông tin tín dụng cho khách hàng
Về lịch sử lưu giữ thông tin tín dụng trong tạo lập sản phẩm/dịch vụ của CIC
Hiện tại, thông tin về khách hàng vay được CIC sử dụng để tạo lập sản phẩm thông tin tín dụng theo thời gian tối đa 5 năm theo đúng quy định tại Thông tư 03/2013/TT-NHNN. Trong đó, thông tin tiêu cực gồm Dư nợ xấu – Nhóm 3,4,5 về khách hàng vay được CIC sử dụng để tạo lập sản phẩm thông tin tín dụng theo thời gian tối đa 5 năm; và Dự nợ nhóm 2 (Nợ cần chú ý) sẽ được cập nhật trong báo cáo Thông tin tín dụng trong vòng 12 tháng gần nhất.
Thời hạn lưu trữ, sử dụng thông tin lịch sử dư nợ tại CIC là đảm bảo tuân thủ quy định hiện hành, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, cũng như giúp các ngân hàng đánh giá kỹ lưỡng hành vi thanh toán nợ trong quá khứ của khách hàng.
Khách hàng có lịch sử tín dụng không tốt có thể bị hạn chế trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng tại các TCTD. Tuy nhiên, các tiêu chí xét duyệt trong quá trình cấp tín dụng tùy thuộc vào khẩu vị rủi ro của mỗi TCTD. Các thông tin tín dụng của khách hàng tại CIC là một trong các thông tin để các TCTD tham khảo, chứ không quyết định việc cho vay của TCTD. Do đó, khách hàng có lịch sử vay trả nợ chưa tốt trong quá khứ không nên quá lo lắng và cần thực hiện tốt nghĩa vụ vay trả nợ đúng hạn tại thời điểm hiện tại cũng như trong tương lai.
Trường hợp thông tin tín dụng sai do nhầm lẫn từ TCTD
Theo Thông tư 03/2013/TT-NHNN, trong trường hợp phát hiện thông tin tín dụng về bản thân có sai sót, khách hàng vay có quyền đề nghị TCTD hoặc CIC kiểm tra, điều chỉnh lại thông tin. Căn cứ vào thông tin khách hàng cung cấp, TCTD và CIC có trách nhiệm kiểm tra, xác minh thông tin, giải quyết khiếu nại và thông tin lại cho khách hàng. Trong quá trình này, khách hàng phải có nghĩa vụ cung cấp đầy đủ, trung thực thông tin tín dụng cho CIC và các TCTD.
CIC cũng hỗ trợ khách hàng liên hệ trực tiếp với TCTD để kiểm tra soát xét điều chỉnh thông tin của khách hàng. CIC chỉ có thể điều chỉnh thông tin tín dụng của khách hàng trong trường hợp TCTD gửi văn bản đề nghị điều chỉnh thông tin sai sót.
Nếu thông tin tín dụng bị sai sót gây bất lợi cho khách hàng vay, CIC sẽ gửi thông báo đính chính sai sót cho các TCTD. Khi nhận được thông báo đính chính sai sót, TCTD phải xem xét lại quyết định cấp tín dụng. Trong thời hạn 2 ngày làm việc kể từ khi có kết quả giải quyết khiếu nại, khách hàng vay sẽ nhận thông báo về kết quả của mình.
Những khuyến nghị giúp khách hàng cải thiện điểm tín dụng, tránh phát sinh nợ xấu
Để duy trì và cải thiện điểm tín dụng, tránh phát sinh nợ xấu, mỗi cá nhân nên có ý thức kiểm soát hành vi sử dụng tín dụng của mình.
Luôn có ý thức thực hiện đúng nghĩa vụ vay trả nợ đối với các TCTD. Cân nhắc về khả năng trả nợ của mình để hoạch định kế hoạch chi tiêu nhằm trả nợ đủ và đúng thời gian. Kiểm tra báo cáo tín dụng định kỳ tại website cic.gov.vn hoặc ứng dụng "CIC Credit Connect" của CIC để xác định các vấn đề bất thường trong lịch sử tín dụng hoặc các thông tin khác; Nên sử dụng dịch vụ nhắc nợ tự động của tổ chức cho vay hoặc tự cài thiết lập lịch trả nợ để chủ động kế hoạch trả nợ; Khi có nhiều khoản nợ cùng lúc khách hàng nên cố gắng chi trả dần số dư nợ hiện tại, không nên phát sinh thêm nhiều khoản nợ mới, đặc biệt là nợ tín chấp, nợ vay tiêu dùng.