Theo ông Phạm Xuân Hòe, kinh tế số sẽ bao trùm lên tất cả bao gồm kinh tế nền tảng và kinh tế chia sẻ. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tiếp cận với kinh tế nền tảng sớm giống như ngành Bưu chính viễn thông.
Cho đến nay, ngành ngân hàng đã xây dựng được chiến lược chuyển đổi số và hiện đang đặt trên bàn của Thống đốc NHNN. Tuy nhiên còn đang tồn tại rất nhiều ý kiến khác nhau về việc ngành ngân hàng sẽ chuyển đổi số như thế nào.
"Nếu nói đến kinh tế số rõ ràng sẽ rộng hơn, bao hàm hơn, trong đó các plat form chính là mô hình kinh doanh mới hết sức sáng tạo trên nền tảng số. Không làm rõ những khái niệm này sẽ rất dễ khiến dư luận hiểu không đúng." – ông Phạm Xuân Hòe nói.
Ông Phạm Xuân Hòe - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược NHNN. |
Chia sẻ thêm, ông Hòe tỏ ra nuối tiếc khi cho rằng nếu như Việt Nam bắt nhịp kịp thời trong tư duy chính sách.
"Kinh tế số mở ra cơ hội cực kỳ lớn cho Việt Nam nếu chúng ta thực sự muốn làm. Nó có thể giúp các nước nghèo như Việt Nam chưa bao giờ có được nền tảng tốt nhất nhưng sẽ có thể bứt phá và theo kịp các nước phát triển."
Trong đó, cơ sở dữ liệu số, hay nói cách khác là tài nguyên số mới là giá trị cốt lõi của nền kinh tế số. Tài nguyên số không phải tự nhiên có được, nếu bị mất coi như mất hết.
"Tôi rất buồn khi Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu thực trạng 50% số bộ ngành không chia sẻ dữ liệu thông tin. Nhưng nếu không chuẩn hóa, không số hóa được thì làm sao có thể chia sẻ?" – ông Hòe đặt câu hỏi.
Phó Viện trưởng Viện Chiến lược NHNN cho rằng ngành ngân hàng cho rằng ngành ngân hàng hiện không có được cơ sở dữ liệu dân cư để nhận dạng, do vậy "tất cả nỗ lực chuyển đổi số của ngành ngân hàng đều vứt đi hết, không làm được cái gì cả".
"Mà cái đấy lại vô cùng chính xác, rẻ tiền và hiệu quả đối với câu chuyện giao dịch ngân hàng không giấy tờ. Nó sẽ tiết kiệm về mặt chi phí cực lớn." – ông Hòe nói.
Cũng theo ông Hòe, Việt Nam có một lực lượng lao động rất dồi dào trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) nhưng các doanh nghiệp CNTT vẫn chỉ đi làm gia công thuê cho nước ngoài.
Trong khi đó, chúng ta hoàn toàn có thể bứt phá nếu thúc đẩy được vai trò của CNTT. Nếu được kinh doanh trên nền tảng số, giá trị gia tăng của các doanh nghiệp sẽ rất lớn.
Ông Hòe tỏ ra trăn trở về hệ sinh thái với vai trò của nhà nước, khi các ngân hàng thương mại đã chủ động liên kết với các công ty Fintech để phát triển các nền tảng về thanh toán. Câu chuyện về chính sách, thể chế sẽ quyết định việc ngân hàng có dữ liệu cơ sở hay không và có chia sẻ dữ liệu này hay không.
Cuối cùng, ông Hòe cho rằng cái Việt Nam cần hiện nay là phải có một cuộc cách mạng về tư duy chính sách chứ không chỉ là cách mạng công nghiệp 4.0.
"Không thể mang tư duy kinh tế kế hoạch chụp vào mô hình kinh doanh mới. Tư duy không quản được thì cấm thì không bao giờ phát triển được." – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược NHNN nói.
Những cuộc cách mạng công nghiệp là những giai đoạn trong sự phát triển của loài người, bắt đầu bằng một số đột phá trong khoa học và công nghệ, tạo sự thay đổi về phương thức sản xuất, từ đó tạo nên sự thay đổi của xã hội loài người.
Theo GS-TSKH Hồ Tú Bảo – Viện Nghiên cứu cao cấp về toán, Viện Khoa học và công nghệ tiên tiến Nhật Bản – những cuộc cách mạng công nghiệp là một tất yếu khách quan, dù muốn hay không nó vẫn diễn ra.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là sự đột phá về công nghệ số và trí tuệ nhân tạo. Chuyển đổi số là nội dung chính, là cách đi trong giai đoạn này, trong đó trí tuệ nhân tạo là công nghệ.
Việt Nam bắt đầu nói nhiều đến cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào năm 2016. Tháng 5/2017 Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 16 yêu cầu các bộ, ngành và địa phương tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Ngày 27/09/2019 Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 52/NQ-TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Theo ông Hồ Tú Bảo, những việc cần làm ngay hiện nay là thay đổi tư duy và nhận thức; phát triển hạ tầng số, tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia; xây dựng thể chế và môi trường an toàn; tạo ra nhân lực số.