Chia sẻ tại buổi tọa đàm “Nợ xấu trong đại dịch COVID-19 - Giải pháp hỗ trợ ngành ngân hàng và cộng đồng doanh nghiệp” do Báo Tiền phong và Hiệp hội ngân hàng tổ chức sáng 23/6, bà Trịnh Thị Ngân – Trưởng ban Cố vấn Hiệp hội Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa TP.Hà Nội, cho rằng, giai đoạn vừa qua, tình hình kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa thực sự khó khăn. Doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 98%, đây là khối lượng doanh nghiệp lớn, bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 cực kỳ nặng nề.
Theo bà Ngân, mặc dù Nhà nước đã hỗ trợ rất nhiều, nhất là Nghị quyết 42, giúp các doanh nghiệp tái cơ cấu tài chính. Bản thân doanh nghiệp tự đánh giá được sức khỏe của mình, doanh nghiệp nào không tồn tại được phải giải thể. Giai đoạn vừa qua, lãi suất chưa bao giờ thấp như bây giờ, nhưng cơ hội để vay và phục hồi sản xuất rất khó. Bởi lẽ, tài sản thế chấp là vấn đề lớn, chỉ dùng để đi vay được khoản ban đầu, nhưng đọng vốn rồi đi vay rất khó. Doanh nghiệp phải có sức mới có thể chống chọi được trong tình hình hiện nay.
Đại diện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, bà Ngân mong rằng ngân hàng cần cho các doanh nghiệp nợ dài hạn hơn để có điều kiện phục hồi, hơn nữa trong những tháng ảnh hưởng COVID-19, cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Bên cạnh đó, bài toán muôn thuở là tài sản thế chấp, cũng rất mong ngành ngân hàng có những quyết sách tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội để giải với chính sách như giảm lãi vay.
Bà Trịnh Thị Ngân – Trưởng ban Cố vấn Hiệp hội Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa TP.Hà Nội
Ông Bùi Danh Liên – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội thì chia sẻ, mặc dù ngành Ngân hàng, các tổ chức tín dụng đã vào cuộc triển khai Nghị quyết 42 một cách cụ thể, giải quyết bức xúc, giảm nợ, lùi thời điểm thu nợ, giảm thuế, phí, rất chính đáng, được quần chúng, doanh nghiệp ủng hộ.. Tuy nhiên, việc hỗ trợ vẫn còn hạn chế, bởi trong khó khăn, doanh nghiệp vận tải phải giữ được doanh nghiệp, phải giữ được người lao động mới có thể cùng nền kinh tế phát triển.
"Dịch bệnh như trời định, không biết bao giờ mới kết thúc. Nếu như COVID-19 biến thể sang một dạng khác, các cơ quan ban ngành có thể kéo dài hỗ trợ doanh nghiệp phát triển dài hạn hơn. Chúng tôi muốn kiến nghị Chính phủ tìm giải pháp hiệu quả hơn nữa để hỗ trợ doanh nghiệp. Nợ xấu là một phần, khoanh nợ cũng cần được chú trọng vì nếu không sản xuất, nợ vẫn còn đó, thành nợ xấu, không thể vay mới. Cần giải quyết khoanh nợ để doanh nghiệp tồn tại và phát triển", Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội kiến nghị.
Ở lĩnh vực du lịch, ông Hoàng Văn Vinh – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nha Trang – Khánh Hòa cho biết, các doanh nghiệp như lĩnh vực du lịch đang rất khó khăn, bên bờ vực phá sản. Trước dịch COVID-19, có hơn 17 triệu lượt khách đến Nha Trang, nhưng khi dịch đến không có bóng dáng du khách nước ngoài nào. Do ảnh hưởng dịch, 95% khách sạn đóng cửa, chưa đầy 5% hoạt động, nhưng là đăng ký làm cơ sở cách ly.
Ông Vinh nói thêm, với tình hình hiện tại, du lịch không có khách, doanh nhân có khả năng thành con nợ, ông chủ thành con nợ. Hầu như các doanh nghiệp đều bên bờ phá sản, vì vậy rất mong ngân hàng hỗ trợ cho doanh nghiệp ảnh hưởng trực tiếp tiếp cận khoản vay không có lãi, và đề xuất Ngân hàng Nhà nước cho các doanh nghiệp thực hiện Thông tư 01/2020/TT-NHNN là khoanh nợ và giảm nợ, giảm lãi suất.