Nhìn bối cảnh này, hầu hết những người trong cuộc cùng chung nhận định, giá BĐS khó giảm vì nhiều lý do, nhất là khi nguồn cung không có dấu hiệu hạ nhiệt.
Số liệu thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy, trong 3 tháng đầu năm nay, chỉ có 22 dự án nhà ở thương mại được hoàn thành ở 3 miền Bắc, Trung, Nam với 5.217 căn hộ. Số lượng dự án này bằng khoảng 47% so với quý cuối năm 2021 và bằng khoảng 54% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, miền Bắc có 13 dự án, miền Trung 5 dự án và miền Nam chỉ có 4 dự án.
Cả nước có 1.216 dự án đang xây dựng, bằng khoảng 116% so với quý 4/2021 và bằng 88% cùng kỳ năm trước. Trong đó, miền Nam có 689 dự án với 70.411 căn hộ, miền Bắc 288 dự án với gần 160.000 căn hộ và miền Trung 239 dự án với 104.860 căn hộ.
Đáng chú ý, trong 3 tháng đầu năm nay, có tổng số 39 dự án bất động sản được cấp phép mới với hơn 18.600 căn hộ, trong đó miền Bắc có 21 dự án với 6.103 căn, miền Trung 7 dự án với 3.077 căn và miền Nam 11 dự án với 9.480 căn.
Những số liệu này cho thấy, nguồn cung về nhà ở thương mại trong quý đầu năm vẫn chưa được cải thiện, đặc biệt là số lượng dự án được cấp phép mới chỉ bằng khoảng 41%, trong đó số căn hộ của các dự án bằng khoảng 49% so với cùng kỳ năm 2021.
Nguồn cung ít là một trong số các nguyên nhân khiến giá nhà tăng mà không giảm. Bên cạnh đó còn một số nguyên nhân khác khiến tất cả đều được cộng vào giá nhà.
Tại một hội thảo về thị trường BĐS mới đây, nhiều doanh nghiệp cho rằng rất khó giảm giá nhà vì các yếu tố đầu vào của bất động sản đều đang tăng rất cao.
Theo các chuyên gia, giá nhà tăng là khó tránh. Thậm chí, giá ở một số vị trí giá đã tăng gấp 2-3 lần trong vòng 1-2 năm qua, gây bất ngờ. Đơn cử, căn hộ cao cấp tại một số dự án có vị trí đặc biệt, trung tâm ở Tp.HCM có mức giá chào bán rất cao, như dự án Thảo Điền Green tại TP Thủ Đức có giá khoảng 100 triệu đồng/m2... Đặc biệt, dự án Empire City - The Monarch tại Khu đô thị Thủ Thiêm (TP Thủ Đức) có giá chào bán lên tới 200 triệu đồng/m2.
Những năm gần đây, ách tắc thủ tục pháp lý khiến nguồn cung ra thị trường nhỏ giọt khiến giá nhà tăng. Dự án hoàn thành, doanh nghiệp thu hồi được vốn để triển khai dự án mới, nhưng vì ách tắc phải dừng lại, dự án kéo dài dẫn đến tăng chi phí, từ đó tăng giá thành BĐS. Hạn chế về nguồn cung trong khi cầu cao, cũng tất yếu đẩy giá BĐS tăng.
Thủ tục nhà đất đã gần như ách tắc gần 2 năm qua nên nhu cầu nhà ở tại những đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM… luôn trong tình trạng cung không đủ cầu nên giá nhà đất luôn tăng là lẽ đương nhiên.
Hiện Tp.HCM có hơn 100 dự án nhà ở chờ gỡ vướng. Sau khi các doanh nghiệp lên tiếng kêu cứu việc 64 dự án nhà ở bị vướng mắc thủ tục không triển khai được, mới đây 29 doanh nghiệp BĐS tại Tp.HCM tiếp tục đồng loạt đề nghị xem xét tháo gỡ vướng mắc 38 dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư bị "giậm chân tại chỗ" đã nhiều năm.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM (Horea), hiện tại ở Tp.HCM có trên 100 dự án BĐS đang chờ gỡ vướng.
Ngoài ra, tín dụng dành cho bất động sản (BĐS) phải bị siết lại do chính sách của Ngân hàng Nhà nước, khi thiếu vốn đầu tư giá nhà đất tăng cũng là điều khó tránh. Việc siết chặt tín dụng vào BĐS cũng góp phần đẩy giá nhà đất lên cao. Bởi các nhà đầu cơ phải tìm kiếm nguồn tài chính qua những kênh phi chính thức với chi phí cao hơn. Với các nhà đầu tư mua BĐS bằng tiền nhàn rỗi, hoặc doanh nghiệp có khả năng bán hàng tốt, sẽ ít bị tác động khi ngân hàng siết hoặc khóa van tín dụng. Tuy nhiên, việc giới hạn cho vay đầu tư BĐS có thể gây khó khăn cho các chủ đầu tư có lượng hàng tồn kho lớn nhưng tốc độ bán hàng chậm.