Thực tế, thị trường BĐS “nóng sốt” đã tạo ra những hệ luỵ khó lường, mà thường sau mỗi đợt sốt người trong cuộc mới nhận ra. Giá BĐS tăng cao đã làm dao động tâm lý của rất nhiều con người. Họ không nghề nghiệp, hoặc từ lĩnh vực khác đều có tâm lý “sợ bỏ mất cơ hội”. Những người làm công ăn lương từ các ngành nghề khác cũng lao vào cơn sốt đất. Thậm chí, bỏ nghề, nghỉ học để đi làm “cò đất”.
Không khó để nhận thấy, những năm qua, khi thị trường BĐS sốt đất cục bộ, nhiều nhân viên văn phòng đã nghỉ việc đi làm “cò đất”; sinh viên cũng nghỉ học để tranh thủ kiếm tiền từ sốt đất. Nhiều người bán gà, bán phở… đi môi giới BĐS, thu nhập gấp nhiều lần với kinh doanh nhỏ lẻ. Cô bán xôi, chú xe ôm… đều trở thành những “môi giới tự do” ở các quán cafe, ở các ngõ hẻm vùng quê.
Còn nhớ, vào thời điểm năm 2021, khi đất nền lên cơn sốt ở các địa phương như Bắc Giang, Hải Phòng, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh… nhiều người nông dân đã trở thành “cò đất” và kiếm hàng chục đến hàng trăm triệu tiền hoa hồng trong khoảng thời gian ngắn. Trường hợp anh M, ngụ Thanh Hoá là một trong các trường hơp như vậy. Anh M “bỏ bê” việc kinh doanh gà giống lao vào cơn sốt đất đầu năm 2021. Sau này, khi sốt đất đi qua, anh quay trở lại công việc buôn gà nhưng các mối lái gà cũng mất đi phần nào. Công việc kinh doanh gặp khó khăn hơn trước.
Cũng thời điểm này, thị trường BĐS đã nổi lên rất nhiều nhà đầu tư “tay ngang” và môi giới BĐS “tự do”. Nhiều người nông dân có đất bán hết cho nhà đầu tư rồi cũng trở thành những “cò đất” trong cơn sốt đất chóng vánh. Khi sốt đất đi qua, họ không còn đất canh tác, mua lại mảnh đất của mình với mức giá cao hơn nhiều so với giá bán ra. Dĩ nhiên, công việc “cò đất” của những người này cũng dừng lại khi hết sốt đất. Câu chuyện công ăn việc làm trở thành một hệ luỵ dễ nhìn thấy nhất.
Thị trường BĐS đã từng chứng kiến nhiều người bỏ nghề chính di làm BĐS. Ảnh minh hoạ
Thị trường BĐS đã từng chứng kiến “nhà nhà làm môi giới, người người làm môi giới”. Thậm chí, những nhà đầu tư từ nơi khác đến tìm hiểu đất đai, nếu không qua được các “môi giới bản địa” (đa phần là tự phát từ lĩnh vực, hoặc không có việc làm đi làm môi giới) đều khó mua được đất. Nghĩa là, thời điểm sốt đất, việc làm môi giới BĐS dễ dàng và diễn ra ở các khu vực, vùng quê. Hình ảnh những nhà môi giới chuyên nghiệp gần như “lu mờ” trên thị trường BĐS. Thay vào đó, thị trường xuất hiện rất nhiều môi giới “mùa vụ”, ăn theo cơn sốt đất.
Sốt đất đã tạo nên những hoàn cảnh khó khăn bỗng “có của ăn của để” nhưng cũng tạo ra những “mảnh đời” mất việc sản xuất, kinh doanh sau sốt đất. Không ít người “ngoại đạo” dồn tâm trí vào nhà đất, chính họ cũng bỏ lơ công việc của mình. Đáng nói, những người này dễ mang lại hệ luỵ cho những người mua BĐS. Bởi thực tế, những “cò đất” này không rành về BĐS, cả pháp lý, lẫn quy hoạch… họ chỉ bán hàng cho xong và lấy tiền hoa hồng là coi như “không quen biết” với khách mua.
Theo một chuyên gia trong ngành, lúc thị trường khó khăn như thế này, nếu nhìn mặt tốt, đây là cuộc thanh lọc cả nhà đầu tư và môi giới BĐS. Điều này cũng tốt cho thị trường BĐS. Chắc chắn, khi không sốt đất, nghĩa là thị trường sẽ không còn thấy cảnh “nhà nhà người người” đi buôn đất. Với những người môi giới không được đào tạo bài bản sẽ để lại hệ luỵ không nhỏ cho người mua BĐS nói riêng, thị trường BĐS nói chung.
“Thị trường bất động sản đã bước vào giai đoạn thanh lọc, là sân chơi dành cho các nhà đầu tư sử dụng “tiền thịt”, tiền nhàn rỗi, tiền từ thu nhập ổn định của hoạt động sản xuất kinh doanh khác. Các sản phẩm bất động sản cũng phải hướng đến nhu cầu sử dụng thật, có thể thanh khoản nhanh chóng, dễ dàng. Để thanh khoản tốt thì sản phẩm đó phải có pháp lý rõ ràng và có thể sử dụng được ngay. Đây cũng là thời điểm thanh lọc các môi giới làm ăn chộp giật, nhường chỗ cho môi giới chuyên nghiệp, hoạt động lành mạnh thị trường BĐS. Trong vòng ít nhất 3 năm, bắt buộc mọi người phải quay về tập trung vào lao động, làm việc, sản xuất kinh doanh tạo ra giá trị của cải vật chất cho xã hội để từ đó tạo ra dòng tiền thu nhập. Đầu tư BĐS có giá trị sử dụng thật và bằng chính thu nhập mình tạo ra mới là con đường bền vững”, vị chuyên gia này nhấn mạnh.