Đây là nhận định của ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, tại buổi thảo luận tổ về kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2018 và ba năm thực hiện kế hoạch năm năm 2016 -2020; kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội năm 2019.
Ông Nguyễn Đức Kiên cho rằng nguồn thu ngân sách của địa phương chủ yếu từ bán đất nhưng nếu hết nguồn này thì kinh tế sẽ gặp khó khăn.
Nhắc đến Đà Nẵng có nguồn thu ngân sách không đạt mục tiêu đề ra, ông Kiên khẳng định đến bây giờ Đà Nẵng đã mất động lực tăng trưởng từ đất, trong khi công nghiệp chưa phát triển, dịch vụ phát triển chưa đồng bộ. Ông Kiên dự báo trong hai năm tới Đà Nẵng sẽ bị âm nguồn thu. Trong báo cáo đánh giá nền kinh tế ông Kiên đề nghị cần có đánh giá sát hơn, để định hướng cho phát triển.
Ngoài ra, ông Nguyễn Đức Kiên đánh giá cao tình hình kinh tế-xã hội trong năm 2018, tuy nhiên cơ cấu nền kinh tế của Việt Nam vẫn còn phụ thuộc vào doanh nghiệp FDI, chính sách và vốn đầu tư của tư nhân trong nước chưa được đánh giá tốt, như mục tiêu đề ra: “Trong khi chúng ta chưa tạo được sức hút vốn của doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Việt Nam trở thành chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu…” - ông Kiên nhận định.
Cùng với đó, ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đánh giá nền kinh tế đã sáng sủa, đồng tiền Việt Nam được coi là ổn định nhất khu vực châu Á. Tuy nhiên, tình trạng sai phạm, tham nhũng vẫn là vấn đề nhức nhối, gây hậu quả lớn cho xã hội; việc làm sai, báo cáo sai vẫn còn diễn ra. Bên cạnh đó, tình trạng lợi ích nhóm chưa được ngăn chặn và ngày càng tinh vi: “Thời gian qua chúng ta bóc lớp vỏ ngoài hào nhoáng mới thấy nhiều vụ việc tham nhũng nghiêm trọng” - ông Nhưỡng nhấn mạnh.
Ông Nhưỡng cũng nhắc đến hư hỏng cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi và hoan nghênh Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể vì cho Thanh tra tuyến cao tốc hơn 34.000 tỉ đồng này. Ông Nhưỡng đánh giá hư hỏng cao tốc là vấn đề “quá khủng khiếp”.
Dẫn báo cáo Chính phủ nêu: “Ở một số nơi, các cấp chính quyền chưa quan tâm nhiều đến công tác tiếp công dân…”, ông Lưu Bình Nhưỡng không đồng tình với khái niệm “một số”, mà khẳng định diễn ra ở rất nhiều nơi. Vì trong báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có nêu công tác tiếp dân cấp xã chỉ đạt 6%.
“Trong đó, có lãnh đạo cấp cao không tiếp công dân một ngày. Từ đó dẫn đến những bức xúc của người dân, giảm lòng tin của dân…”, ông Nhưỡng nói và cho rằng cần nâng cao nhận thức các cấp về vấn đề này đặc biệt là cách trả lời đơn thư cho người dân.