Theo cam kết mở cửa thị trường Liên minh châu Âu của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), thuế suất các mặt hàng da giày giảm còn 0% (hiện nay là 16%-17%) nhưng loại trừ các trường hợp gia công đơn giản. Do đó, muốn hưởng thuế ưu đãi, DN phải phát triển sản xuất khép kín cả quá trình, những phần giá trị gia tăng phải được sản xuất tại Việt Nam. Khi EVFTA có hiệu lực, da giày Việt Nam sẽ có lợi thế hơn so với các đối thủ cạnh tranh khác trên thị trường EU như Trung Quốc, Indonesia.
Theo ông Vương Đức Anh, khi thuế suất giảm thì các quy định về xuất xứ càng chặt chẽ.
Để được hưởng thuế suất ưu đãi, doanh nghiệp phải thực hiện đúng hình thức hồ sơ theo yêu cầu của nơi nhập khẩu Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Tại hội thảo, một số DN cho biết gặp vướng trong việc xin chứng nhận xuất xứ để được hưởng thuế suất ưu đãi từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á Âu (đã có hiệu lực), trong đó có Nga. Nguyên nhân là lô hàng không được chuyển trực tiếp từ Việt Nam sang Nga mà phải quá cảnh ở nước thứ 3 để kiểm tra nên các chứng từ không khớp. Ngoài ra, một số chi tiết về hình thức hồ sơ như có chữ ký, thiếu con dấu, con dấu đóng không ở giữa, con dấu đè chữ ký đều không được phía hải quan Nga chấp nhận, gây khó cho DN.
Do đó, để được hưởng ưu đãi, DN buộc phải tìm hiểu kỹ quy định và thực hiện đúng hình thức hồ sơ theo yêu cầu, tránh bị đánh thuế oan.
Theo Tổng cục Hải quan, mỗi ngày cơ quan này cấp 5.000-6000 chứng nhận xuất xứ (C/O), tăng 15%- 20% so với trước đây. Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, xuất khẩu toàn ngành da giày 9 tháng đầu năm 2017 đạt 13,1 tỉ USD (tăng 11,4% so với cùng kỳ năm 2016). Cụ thể, xuất khẩu giày dép đạt 10,6 tỉ USD, tăng 12,8% và xuất khẩu túi - cặp các loại là 2,5 tỉ USD, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2016. Các vùng sản xuất da - giày tập trung ở phía Nam là TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang, Cần Thơ... chiếm khoảng 80% kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành.