“Đi chợ như bị mất trộm”
Chị Nguyễn Hà (Giang Biên, Long Biên), giảng viên một trường đại học tại Hà Nội, hơn 1 năm nay nghỉ dạy vì dịch COVID-19, phải thắt chặt chi tiêu. Nay "cơn bão" giá xăng khiến các mặt hàng hằng ngày (mớ rau, con cá...) cũng tăng khiến gia đình chị thêm khó khăn. “Tôi cầm tiền đi chợ như bị mất trộm. Rau cải lên tới 20.000 đồng/mớ; thịt ba chỉ 160.000 đồng/kg, dầu ăn, gạo, trứng... cũng tăng vài nghìn đồng. Bà bán hàng nào cũng viện cớ giá xăng dầu tăng khiến những bà nội trợ như tôi chỉ biết ngậm ngùi”, chị Hà nói.
Từ rau xanh đến thịt, cá đều tăng sau khi giá xăng dầu tăng. Ảnh: Ngọc Mai
Chị Bùi Phương Nga, bán hàng tạp hóa, bánh kẹo phố Kẻ Tạnh (Long Biên, Hà Nội), cho biết, mấy ngày gần đây, do sự biến động của giá xăng dầu nên giá cả nhiều mặt hàng tăng lên khá rõ, khiến cho việc buôn bán của gia đình chị cũng chậm hơn. “Không ít người dân trước đây có khi mua 2-3 sản phẩm một lúc, nhưng giờ đây họ phải thắt chặt chi tiêu nên hầu như không mua sắm”, chị Nga nói.
“Đau ví” vì giá xét nghiệm
Trong bối cảnh số ca nhiễm tại Hà Nội tăng cao kỷ lục, bộ xét nghiệm nhanh COVID-19 (test kit) liên tục lên giá. Khảo sát tại nhiều nhà thuốc, chợ mạng, test kit lập mặt bằng giá mới, thấp nhất từ khoảng 65.000 - 70.000 đồng/bộ (tăng ít nhất 15.000 - 20.000 đồng/bộ). Test kit giá cao nhất khoảng 100.000 đồng/bộ. Không chỉ F0, mà hầu hết gia đình, cá nhân tại Hà Nội đều mua sẵn test kit tại nhà để tầm soát, hoặc xét nghiệm báo cáo theo yêu cầu của cơ quan, trường học khi phát hiện F0.
Một gia đình 4 người F0 ở Tây Hồ, Hà Nội cho biết, vừa trải qua 1 tuần tự cách ly, điều trị, dù thuốc được phát miễn phí nhưng chi phí xét nghiệm ngốn tới cả chục triệu đồng, trong đó xét nghiệm PCR hết 5,6 triệu đồng, và mua test kit nhanh 3 triệu đồng. Với test kit nhanh, gia đình mua tổng cộng 40 bộ, các lần mua giá khác nhau, tăng dần từ 63.000 - 80.000 - 90.000 đồng/bộ. Để giảm chi phí, các gia đình, đồng nghiệp mách nhau mua thêm que lấy dịch, xét nghiệm gộp. Que lấy dịch tỵ hầu bán lẻ chỉ từ 1.000 đồng/cái.
Giá thực phẩm tăng giữa lúc dịch ở Hà Nội diễn biến căng thẳng. Các tiểu thương lại được dịp niêm yết mức giá mới các mặt hàng giúp tăng sức đề kháng. Các loại hoa quả cũng tăng giá. So với trước Tết Nguyên đán, giá cam ở nhiều nơi đã đắt gấp đôi, “cháy” hàng do nhu cầu tăng đột biến. Chị Thuý Hà (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, “Từ khi dịch phức tạp, để bổ sung vitamin C đều đặn cho gia đình 6 người, chỉ khoảng 1 tuần, tôi vắt hết 20kg cam. Cam sành Hàm Yên 45.000 đồng/kg, tiền cam tốn trên dưới 1 triệu đồng/tuần”.
Đại diện một số siêu thị như MM Mega Market, Lotte Mart cho biết, đã nhận được công văn đề nghị tăng giá từ các nhà cung cấp. Các siêu thị đang làm việc với nhà cung cấp để có mức giá điều chỉnh hợp lý nhất cho người tiêu dùng, điều tiết hợp lý, lên kế hoạch dự trữ hàng hóa.
Hiện, giá các mặt hàng thiết yếu, thực phẩm tại siêu thị không biến động lớn so với trước Tết Nguyên đán. Nhiều đơn vị còn triển khai khuyến mãi, đặc biệt một số ngành hàng được giảm thuế 2% giá trị gia tăng.
Kiểm soát giá thế nào?
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội, cho biết, từ đầu năm 2022, giá hàng hoá từ thực phẩm, vật liệu xây dựng đến cước vận tải đều tăng từ 15-30% bởi "ăn theo" giá xăng dầu tăng. “Câu chuyện xăng dầu là do dự trữ không đủ. Lưu thông không có dự trữ coi như không lưu thông. Chúng ta cần phải nghĩ đến tương lai xa, giá xăng dầu thế giới có thể tăng cao, cần xem xét các biện pháp chủ động nguồn nguyên nhiên liệu”, ông Phú nói.
Ông Lê Văn Tiến, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa Hải Phòng, cho biết, từ đầu năm 2021 đến nay, giá xăng dầu đã tăng hơn 50%; thông thường khi giá xăng dầu tăng hoặc giảm khoảng 10 - 20%, doanh nghiệp sẽ điều chỉnh giá cước từ 3,5 - 10%. Nhưng giá xăng dầu đã tăng rất cao khiến doanh nghiệp gặp không ít khó khăn. Doanh nghiệp tăng giá vận tải phải thật khéo léo, thận trọng, nếu không rất dễ mất khách hàng. Nhiều doanh nghiệp vận tải cho biết rất ngại làm việc với chủ hàng vì giá cước đang rất cao, nhưng nếu không tăng giá cước thì doanh nghiệp vận tải sẽ bị lỗ. Theo ông Tiến để có thể ổn định và hạn chế tác động của giá xăng dầu tăng trong hoạt động vận tải, Nhà nước có thể trích một khoản kinh phí để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc trợ giá xăng dầu là một giải pháp khó thực hiện trong hoàn cảnh hiện tại.
Cũng theo ông Tiến, nhiều năm qua có tình trạng "ăn theo" giá xăng dầu tăng để tăng giá dịch vụ, hàng hóa vô tội vạ nhưng do không bị "tuýt còi" và xử lý kịp thời nên vẫn tái diễn. Liên bộ Công Thương - Tài chính là cơ quan điều hành giá xăng dầu, đồng thời còn quản lý, kiểm soát giá cả hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác. “Khi điều chỉnh giá xăng dầu, nhất là khi tăng giá, các cơ quan này cần có giải pháp kiểm soát giá cả các loại hàng hóa, dịch vụ khác để hạn chế tình trạng "ăn theo" giá xăng dầu như lâu nay đã diễn ra. Trong khi chờ cơ quan chức năng có giải pháp kiểm soát, nên chăng chính các doanh nghiệp vận tải cũng phải tính toán để giảm tối thiểu các chi phí liên quan và đặc biệt không nên "thừa gió bẻ măng". Tăng giá cước vận chuyển bất hợp lý dẫn đến giá cả hàng hóa, dịch vụ tăng dắt dây theo sau”, ông Tiến nói.