Chiều 29-6, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh dẫn đầu đoàn công tác của Chính phủ đã có buổi làm việc với UBND TP HCM về tình hình thực hiện các dự án ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài.
Nhiều kiến nghị gỡ vướng
Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan cho biết hiện TP có 9 dự án ODA với tổng mức đầu tư là 122.567 tỉ đồng. Trong đó, vốn ODA là 102.000 tỉ đồng, vốn đối ứng gần 20.000 tỉ đồng. Đến tháng 6-2020, TP giải ngân vốn ODA cấp phát từ ngân sách trung ương là 1.045 tỉ đồng, ODA vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ là 555 tỉ đồng. Trong giai đoạn 2016-2020, TP giải ngân được hơn 7.700 tỉ đồng vốn nước ngoài nguồn cấp phát từ ngân sách trung ương. Theo ông Võ Văn Hoan, do một số dự án đang trình Thủ tướng cho phép điều chỉnh thời gian thực hiện dự án như dự án giao thông xanh, dự án vệ sinh môi trường TP, dự án giảm thất thoát nước… nên dẫn đến giải ngân chậm. Cùng với đó, một số dự án như tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) mới được phê duyệt điều chỉnh tổng mức dự án. Một số dự án khác chuẩn bị kế hoạch lựa chọn nhà thầu nên chưa giải ngân…
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh dẫn đầu đoàn công tác của Chính phủ cùng lãnh đạo UBND TP HCM thị sát trên công trường dự án metro số 1. Ảnh: GIA MINH
Để tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn ODA trên địa bàn, UBND TP kiến nghị trung ương bố trí kế hoạch vốn trung hạn, vốn hằng năm cho TP. Cụ thể, đối với tuyến metro số 1, các bộ, ngành trung ương sớm cho ý kiến về việc sử dụng tiền yen Nhật hay tiền VNĐ để thanh toán. "Dự án metro số 1 đang trên đà tăng tốc nên cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Tuy nhiên, hiện các cơ quan đã bàn nhưng chưa thống nhất" - ông Võ Văn Hoan nói.
Thông tin cụ thể hơn, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết năng lực giải ngân TP không thiếu nhưng do vướng mắc từ nhiều cơ quan. Riêng việc dùng tiền yen Nhật hay VNĐ để thanh toán cũng rất khó khăn. Từ tháng 5-2019, UBND TP đã có văn bản gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để xin ý kiến về việc này. Đến tháng 8-2019, Bộ Tài chính trả lời nhưng không có sự thống nhất từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Do đó, UBND TP tiếp tục có văn bản gửi 2 bộ vào tháng 12-2019 nhưng vẫn không được hồi âm. Đến tháng 4-2020, UBND TP tiếp tục có văn bản gửi 2 bộ. "Tuyến metro số 1 là tuyến metro đầu tiên của cả nước. Ban đầu gặp khó về tổng mức đầu tư nhưng đã gỡ. Có những lúc TP rất căng thẳng, nhất là dịp gần Tết, khi đối mặt với chuyện nhà thầu lãn công; TP phải họp liên tục và tạm ứng vốn để thanh toán cho các nhà thầu. Đến nay, số tiền tạm ứng đã lên gần 5.000 tỉ đồng" - Chủ tịch UBND TP trăn trở và mong các bộ, ngành trung ương tháo gỡ để tuyến metro số 1 về đích đúng kế hoạch vào năm 2021.
Tại buổi làm việc, UBND TP cũng mong muốn các bộ, ngành tháo gỡ các vướng mắc cho tuyến metro số 2. Cụ thể, UBND TP kiến nghị Bộ Tài chính thẩm định hồ sơ cho vay lại để làm cơ sở ký các hiệp định vay bổ sung còn lại cho dự án. Bên cạnh đó, UBND TP kiến nghị Bộ Tài chính xem xét, sớm có văn bản để đề xuất sử dụng vốn kết dư là 76,8 triệu USD của dự án vệ sinh môi trường TP giai đoạn 2.
Quyết không để thiếu vốn
Ông Vũ Đại Thắng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhìn nhận TP là địa phương sử dụng vốn ODA hiệu quả. Điển hình như dự án hầm Thủ Thiêm, mở rộng cầu Sài Gòn… Điều này giúp chuyển biến bộ mặt đô thị của TP. Đối với các kiến nghị của UBND TP về tuyến metro số 1, ông Vũ Đại Thắng cho biết Bộ Kế hoạch và Đầu tư cơ bản đồng thuận. Tuy nhiên, do vốn ODA có hạch toán, kế toán về tỉ giá. Do vậy, theo quy định, vay bằng tiền nào thì trả bằng tiền đó. Nhưng riêng Luật Ngân sách thì vay lại thực hiện bằng VNĐ. Nếu tính ra chênh lệch tỉ giá giữa hai loại tiền này thì con số rất lớn. Mặc dù đây là biến động một cách tự nhiên về tỉ giá nhưng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nghiên cứu nhằm bảo đảm về quy định về thanh quyết toán. "Bộ Kế hoạch và Đầu tư quyết tâm không thể để dự án này chậm vốn, thiếu tiền như trước đây. Bộ sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giải quyết vấn đề này" - ông Vũ Đại Thắng khẳng định.
Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh vốn ODA của TP chiếm tỉ lệ lớn so với các tỉnh, thành. Do đó, TP giải ngân được thì sẽ thúc đẩy tỉ lệ giải ngân vốn ODA của cả nước. "Thời gian qua, Chính phủ đã có đề xuất Quốc hội điều chỉnh nguồn vốn đầu tư công. Đó là giảm vốn ngân sách, tăng vốn ODA. Sau khi vốn ODA tăng nhưng tỉ lệ giải ngân thấp thì có thể thấy việc đề xuất này không đúng, không hiệu quả. Do đó, phải quyết liệt lên giải pháp, gỡ vướng cho các dự án ODA, nhất là tuyến metro số 1 ở TP HCM" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Về vấn đề sử dụng tiền yen Nhật hay tiền Việt Nam để thanh toán, Phó Thủ tướng cho rằng quan trọng là hiệp định vay ký là tiền gì, vay bằng tiền nào thì phải thanh toán bằng tiền đó. Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương thống nhất để TP thực hiện các bước tiếp theo. Phó Thủ tướng cũng thông tin đến tháng 7-2020, Bộ Tài chính sẽ giải quyết số tiền gần 5.000 tỉ đồng mà TP đã tạm ứng để thanh toán cho nhà thầu.
Đối với tuyến metro số 2, Phó Thủ tướng giao các bộ, ngành thảo luận, hỗ trợ TP. Về vốn kết dư là 76,8 triệu USD của dự án vệ sinh môi trường TP giai đoạn 2, Phó Thủ tướng nói: "Bộ Tài chính cho biết chưa đủ cơ sở để kết luận dự án này có kết dư hay không. Do đó, TP phải tính toán lại". Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cũng yêu cầu TP chủ động rà soát các hiệp định vay để gia hạn, bởi để quá hạn sẽ dẫn đến các thủ tục phức tạp.
Gấp rút hoàn tất thủ tục tuyến metro số 5
Theo ông Bùi Xuân Cường, Trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị TP, ngoài tập trung hoàn thành các thủ tục để triển khai dự án tuyến đường sắt đô thị số 2 (tuyến Bến Thành - Tham Lương), hiện TP cũng đang gấp rút hoàn thành các thủ tục nhằm triển khai dự án metro số 5 (cầu Sài Gòn đi Bến xe Cần Giuộc mới). Sau khi hoàn thành, các tuyến metro số 1, 2 và 5 sẽ liên kết tạo thành tam giác trung tâm phục vụ khoảng 20% nhu cầu đi lại của người dân TP HCM.
Chỉ đạo "nóng" trên công trường
Sáng cùng ngày, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh dẫn đầu đoàn công tác của Chính phủ cùng lãnh đạo UBND TP HCM thị sát trên công trường dự án metro số 1. Điểm đến đầu tiên của đoàn là tại nhà ga đối diện Khu Công nghệ cao (quận Thủ Đức) - một trong 11 nhà ga thuộc gói thầu CP2 (đoạn trên cao và depot), sau đó di chuyển qua ga Ba Son và đi dọc qua đoạn ngầm đến ga Nhà hát TP, thuộc gói thầu CP1b của dự án.
Ông Bùi Xuân Cường, Trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị TP, cho biết toàn tuyến metro số 1 hiện đạt 73,5% khối lượng, theo kế hoạch sẽ nâng lên 85% cuối năm nay. Trong đó, với gói thầu CP2, hiện tổng khối lượng đã đạt 84,3%. Trong số 11 nhà ga trên cao thuộc gói thầu này, hiện 10 ga đã hoàn thành lợp mái cùng các hạng mục cơ bản. Còn tại đoạn ngầm ga Ba Son đến ga Nhà hát TP, hiện cũng đạt 84,5% khối lượng.
Kế hoạch từ tháng 4, đoàn tàu metro số 1 sẽ nhập về Việt Nam và cho chạy thử ở đoạn trên cao từ Bình Thái (quận Thủ Đức) về depot Long Bình (quận 9). Tuy nhiên, theo ông Bùi Xuân Cường, ảnh hưởng dịch Covid-19, hiện 87 chuyên gia nước ngoài làm việc cho dự án chưa được nhập cảnh Việt Nam, đồng nghĩa tàu metro cũng bị chậm tiến độ nhập về do phải có chuyên gia đi cùng. Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh lập tức chỉ đạo gấp rút gỡ vướng, nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án. Theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Chính phủ sẽ giải quyết ngay khi UBND TP đề xuất vấn đề nhập cảnh cho các chuyên gia để làm việc cho tuyến metro số 1.