Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM vừa tổ chức hội nghị "Khảo sát tình hình thi hành Luật Người lao động (NLĐ) Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trên địa bàn TP HCM". Dù được tổ chức trong đợt dịch bệnh Covid-19 nhưng thu hút rất đông đại diện các sở, ban, ngành TP, doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động (XKLĐ) tham dự.
Doanh nghiệp môi giới làm ăn chụp giật
Tại hội nghị, nhiều nội dung được nhiều đại biểu muốn đưa vào luật để cụ thể hóa từng danh mục cấp phép, điều kiện để bảo vệ NLĐ trước, trong và sau khi đi lao động trở về.
Ông Lê Long Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Esuhai (quận Tân Bình, TP HCM), nêu ra thực tế đáng buồn là mức phí đi Nhật Bản rất thấp nhưng nhiều NLĐ vẫn phải chi trả gấp rưỡi, gấp đôi, thậm chí gấp 3 mức quy định nhưng không đi được và cũng không đòi lại tiền được. Vấn đề do đâu? Ông Sơn đặt câu hỏi và tự trả lời: "Do luật chưa chặt chẽ về cấp phép, công tác thanh kiểm tra cũng chưa triệt để, pháp luật xử chưa nghiêm các DN sai phạm, có dấu hiệu lừa đảo nhưng cơ quan có phẩm quyền bảo là vấn đề dân sự. NLĐ nhờ đến báo chí thì DN mới chịu trả tiền. Các công ty tạo nguồn, môi giới hiện quá nhiều, khó kiểm soát đã làm ảnh hưởng nặng nề đến các DN làm ăn chân chính".
Đào tạo chu đáo trước khi xuất cảnh là biện pháp nâng chất lượng, bảo đảm việc làm cho người lao động
Thực trạng đáng lo ngại khác là việc nhiều DN "cho thuê giấy phép". Rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam liên kết với người Việt đứng tên để mở DN, song các DN này hoạt động không đúng quy định, vi phạm phổ biến của các DN dạng này là không đào tạo, không có đối tác nhưng vẫn tuyển sinh, thu tiền NLĐ. "Việc này vô cùng bất lợi cho NLĐ bởi họ không hề biết đó là DN "ma". Luật nên quy định cụ thể hơn, chặt chẽ hơn để bảo vệ NLĐ" - ông Sơn góp ý.
Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) TP HCM, cho rằng các mức xử phạt DN vi phạm chưa đủ răn đe, vì vậy khó có thể làm trong sạch môi trường dịch vụ XKLĐ. Với vai trò cơ quan chuyên trách về lao động, ông Lâm cho biết việc thanh - kiểm tra sẽ được đẩy mạnh trong thời gian tới để bảo vệ NLĐ. Bà Lê Thị Ánh Tuyết - Phòng LĐ-TB-XH huyện Củ Chi, TP HCM - cho rằng cơ chế phối hợp giữa các DN và các phòng LĐ-TB-XH chưa chặt chẽ dẫn đến việc theo dõi lao động gặp nhiều khó khăn. Bà Tuyết nói rằng lao động tại địa phương tự liên hệ với các DN và đi nước ngoài làm việc. Chỉ khi có phát sinh về mặt thủ tục giấy tờ hay bỏ trốn thì DN mới báo. Do đó, việc bảo vệ NLĐ tại địa phương chưa phát huy được hết vai trò. Trong lần sửa đổi luật tới đây nên giao quyền tự chủ cho địa phương để góp phần bảo vệ và quản lý lao động được tốt hơn.
Lãng phí nguồn nhân lực
Ông Huỳnh Ngọc Thông, quyền Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nhân lực Quốc tế Sovilaco (quận Tân Bình, TP HCM), nhấn mạnh một thực tế đang diễn ra, đó là lao động hết hạn hợp đồng về nước hằng năm rất nhiều nhưng Việt Nam chưa có phương án cụ thể nào để sử dụng nguồn lao động mà theo ông Thông là "lao động có tay nghề và kỹ năng rất tốt".
Hằng năm, trên 100.000 lao động ra nước ngoài làm việc, chủ yếu là sang Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và đa số là có thời hạn ngắn, 3 năm, 5 năm. Theo các DN hoạt động trong lĩnh vực XKLĐ, con số lao động hết hạn hợp đồng trở về cũng tương ứng và đây là lực lượng có tay nghề cao, rất cần cho ngành công nghiệp phụ trợ. Nhưng nghịch lý là số lao động về nước lại gặp khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm. "Chúng ta cần có một chiến lược cụ thể để sử dụng số lao động này. Đây là nguồn tài nguyên quý giá cho sự phát triển của đất nước" - ông Thông nói.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Lê Long Sơn cho biết thu nhập chênh lệch quá lớn làm cho lao động trở về hụt hẫng, dẫn đến khó tìm được việc làm. "Ở Nhật các em có thu nhập từ 25 triệu đến 30 triệu đồng, thậm chí hơn nhưng khi về nước, các DN chỉ trả được phân nửa, thậm chí thấp hơn phân nửa. Dù biết mức chi phí sinh hoạt mà mặt bằng lương tại Việt Nam không cao nhưng về tinh thần của NLĐ, họ cảm thấy khó chấp nhận" - ông Sơn nói. Ông Sơn cho biết con số lao động từ nước ngoài hết hạn hợp đồng trở về là rất lớn. Trong khi đó, các DN có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, cụ thể là Nhật Bản lại than khó tuyển dụng lao động. Lý do mà các DN Nhật Bản tại Việt Nam đưa ra là họ muốn sử dụng lực lượng lao động từ Nhật về nhưng chỉ ở cấp quản lý. "Do đó, Esuhai tiếp nhận lao động trở về và tiếp tục đào tạo thêm các kỹ năng mềm, kỹ năng quản lý cho lao động trở về và liên kết với các DN Nhật để bố trí công việc phù hợp. Rất may mắn, khoảng 95% lao động trở về của Esuhai có việc làm, thậm chí công việc còn tốt hơn, thu nhập cao hơn ở Nhật" - ông Lê Long Sơn chia sẻ thêm.
Là những người tham gia phát biểu nhiều nhất, cả ông Sơn và ông Thông mong muốn Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM chuyển tải đến Quốc hội để khi sửa luật sẽ dành nhiều nội dung cho vấn đề chiến lược sử dụng lao động khi về nước, không để NLĐ có cảm giác bơ vơ khi trở về.
“Để đưa được lao động kỹ năng đặc định sang Nhật Bản, các DN phải có thêm giấy phép do Bộ LĐ-TB-XH cấp. Giấy phép này được cấp khá nhanh cho các DN tư nhân, còn những DN nhà nước như Sovilaco lại vướng quy định không được mở giấy phép con trong DN nhà nước. Vì vậy, Sovilaco lại phải chờ sửa đổi mới được gia nhập chương trình đưa lao động kỹ năng đặc định khiến DN này mất cơ hội trong kinh doanh” - ông Huỳnh Ngọc Thông so sánh.