Theo ông Thanh, dự thảo quy định chặt chẽ các điều kiện để chia sẻ rủi ro trong các dự án PPP, cụ thể: Dự án do cơ quan có thẩm quyền lập; quy hoạch, chính sách, pháp luật có liên quan thay đổi làm doanh thu thực tế thấp hơn doanh thu cam kết tại hợp đồng; đã thực hiện đầy đủ các biện pháp điều chỉnh mức giá, phí sản phẩm, dịch vụ hoặc điều chỉnh thời hạn hợp đồng PPP nhưng vẫn chưa bảo đảm được mức doanh thu cam kết tại hợp đồng. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lại cho rằng, quy định như dự thảo quá chặt, không tạo cơ chế khuyến khích, thu hút nhà đầu tư.
Mặc dù dự thảo luật đã quy định chặt chẽ hơn về các điều kiện chia sẻ rủi ro trong các dự án PPP, song Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển lo lắng, phần nhà nước bù với các dự án tới vài chục năm có khi gấp nhiều lần so với số vốn đầu tư. Mặc dù vậy, ông Hiển nhấn mạnh quan điểm “nhà nước có lỗi thì phải chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư”, nên đồng tình đưa ra hai phương án để Quốc hội thảo luận.
Trong khi đó, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, nhiều quy định của luật chặt hơn cả đầu tư công, trong khi trách nhiệm của nhà nước trong việc thanh toán chưa thấy nói tới. “Nhà nước không cam kết thì chả ai muốn làm. Làm xong lúc đó mới đi xin thanh toán thì mệt lắm”, ông Phúc nói và kiến nghị rà soát, đảm bảo thông thoáng hơn để thu hút đầu tư. Cùng quan điểm, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, PPP là đan xen sở hữu, cần cởi mở, nếu quy định chặt quá thì tư nhân không dám làm.
Giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng, điều kiện chia sẻ rủi ro như dự thảo đã rất chặt chẽ, bên cạnh đó, mức chia sẻ cũng đã được điều chỉnh so với trước đó. Bộ trưởng KH&ĐT lý giải, trước đây Chính phủ trình đối với phần giảm doanh thu của doanh nghiệp thì nhà nước chia sẻ không quá 50%, nhưng phần tăng thu doanh nghiệp phải chia sẻ cho nhà nước không thấp hơn 50%. Nhiều ý kiến cho rằng điều này không công bằng. Chính vì vậy, dự thảo đã sửa lại theo hướng thống nhất chia sẻ theo tỷ lệ 50/50 kể cả phần doanh thu tăng và giảm.