Tờ South China Morning Post hôm 19/2 đưa tin các giải pháp giảm thuế kinh doanh ngắn hạn, đặc biệt với các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại tỉnh Hồ Bắc - tâm chấn của dịch virus corona - sẽ được Quốc vụ viện cân nhắc hàng đầu để ổn định nền kinh tế.
Hội đồng Nhà nước cũng cân nhắc tăng trợ cấp cho nông dân chăn nuôi lợn bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch tả lợn Châu Phi hồi năm ngoái, trong nỗ lực gây dựng lại quy mô đàn lợn, đối phó với rủi ro thiếu nguồn cung thịt lợn.
Ủy ban Quản lý và Giám sát Tài sản Nhà nước (SASAC) sẽ chịu trách nhiệm phân phối các khoản vay lãi suất thấp cho nông dân và giảm thuế cho doanh nghiệp trong khu vực ảnh hưởng của virus corona.
Hội đồng Nhà nước trực thuộc Chính phủ cũng lập ra một lực lượng đặc biệt chịu trách nhiệm tiếp cận linh hoạt, điều tiết nền kinh tế đi đúng hướng song song với công tác kiểm soát dịch virus corona.
Hàng loạt những biện pháp mới thể hiện nỗ lực của chính quyền Tập Cận Bình trong việc “hồi sinh” nền kinh tế đang trì trệ vì dịch virus corona, phục hồi hoạt động sản xuất và bình thường hóa lĩnh vực kinh doanh thương mại.
Chính quyền Tập Cận Bình nỗ lực "hồi sinh" nền kinh tế đang lao đao vì dịch virus corona
Trước đó, Ngân hàng Trung Ương Trung Quốc đã thực hiện nới lỏng chính sách tiền tệ qua việc hạ lãi suất cho vay ngắn hạn và trung hạn, đồng thời bơm thanh khoản 1.700 tỷ NDT vào hệ thống tài chính thông qua nghiệp vụ repo ngược để kích thích nền kinh tế lao đao. Nhưng chính quyền Tập Cận Bình dường như muốn hành động nhiều hơn thế. Bằng chứng là song song với “bơm tiền” vào nền kinh tế, chính quyền nhiều địa phương đã được khuyến khích tăng cường các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ có nguy cơ phá sản vì dịch virus corona.
Bất chấp những nỗ lực như vậy, các nhà kinh tế vẫn nghi ngờ rằng Trung Quốc khó giữ được tốc độ tăng trưởng dự kiến 6% trong năm 2020.
Song Xiaowu, Cựu chủ tịch Hiệp hội cải cách kinh tế Trung Quốc trong bài phát biểu tại Quỹ Nghiên cứu Phát triển Trung Quốc nhận định: “Tăng trưởng GDP Trung Quốc có thể giảm xuống 3% trong quý I/2020 và 5% trong cả năm 2020.”
Một bài phân tích của chuyên gia Gaurav Sharma đăng trên tờ Forbes đã chỉ ra 4 lý do khiến nền kinh tế Trung Quốc khó mà đạt tăng trưởng trên 5% trong năm 2020, bao gồm: sự sụt giảm chi tiêu tiêu dùng khi 500 triệu người dân bị ảnh hưởng bởi các lệnh phong tỏa; sự lao đao của ngành giao thông vận tải khi hàng chục ngàn chuyến bay bị hủy còn lưu lượng hành khách đường sắt và đường bộ giảm 73% trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán; sự ngừng trệ của lĩnh vực sản xuất khi 21/31 tỉnh thành tê liệt; sự khó khăn của ngành công nghiệp năng lượng và hóa dầu do nhu cầu giảm. Đây là 4 lĩnh vực có vai trò quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế Trung Quốc cũng như đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP quốc gia.
Chủ tịch Tập Cận Bình: "Trung Quốc sẽ nỗ lực hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đặt ra trong năm 2020 bất chấp dịch virus corona"
Chính phủ chưa công bố mục tiêu tăng trưởng GDP chính xác cho Trung Quốc trong năm 2020, nhưng các chuyên gia phân tích ước tính con số dự kiến khoảng 6%, giảm từ mức 6,1% đạt được hồi năm 2019. Mục tiêu lớn của chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình trong năm 2020 là hoàn thành kế hoạch tăng trưởng gấp đôi quy mô GDP giai đoạn 2010-2020. Để đạt mục tiêu này, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2020 cần đạt tối thiểu 5,6% - con số được các chuyên gia đánh giá là hoàn toàn khả thi trước khi dịch virus corona bùng phát. Nhưng giờ đây, dịch bệnh đã đến, kéo theo những biến số chưa thể ước đoán cho nền kinh tế.
Các nhà nghiên cứu thuộc chính phủ Trung Quốc từng dự báo khả năng chính phủ điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2020 do những tác động của dịch virus corona, nhưng không từ bỏ mục tiêu chung duy trì tăng trưởng kinh tế trong phạm vi hợp lý.
Ông Zhang Yansheng, trưởng nhóm nghiên cứu Trung tâm Trao đổi Kinh tế Quốc tế Trung Quốc (trụ sở Bắc Kinh) nhận định: “Mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2020 chắc chắn sẽ có sự điều chỉnh. Chính quyền Trung Ương hiện tại có vẻ vẫn chưa xác định được phạm vi điều chỉnh thế nào là hợp lý sau khi dịch virus corona bùng phát. Họ vẫn đang theo dõi diễn biến của dịch bệnh cũng như những ảnh hưởng mà nó gây ra cho nền kinh tế”.
“Đối với con số tăng trưởng GDP mục tiêu cuối cùng, chúng ta phải thành thực. Mức GDP mục tiêu chỉ là một con số dự báo, không phải một yêu cầu bắt buộc đạt được. Nói đúng hơn, chính phủ có thể sửa mức GDP mục tiêu vài lần trong năm” - ông Zhang chia sẻ với tờ South China Morning Post.
Nhưng cho đến nay, Bắc Kinh chưa có một động thái nào như vậy; và việc Chính phủ có điều chỉnh GDP mục tiêu năm 2020 hay không vẫn là điều khó nói. Trong hai tuần qua, Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhiều lần tuyên bố trên các phương tiện thông tin đại chúng rằng Trung Quốc vẫn sẽ nỗ lực hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đặt ra trong năm 2020 bất chấp dịch virus corona bùng phát.
Hôm 18/2, Phó chủ tịch Ủy ban giám sát và quản lý tài sản nhà nước SASAC, ông Ren Hongbin cũng nhấn mạnh các mục tiêu sản xuất và nhiệm vụ cải cách doanh nghiệp nhà nước đã đặt ra trong năm là không thay đổi. “Những tác động từ dịch virus corona chỉ mang tính chất tạm thời và sẽ không làm thay đổi các nguyên tắc cơ bản trong dài hạn của nền kinh tế Trung Quốc” - ông Ren tuyên bố.
Bộ trưởng Ngoại giao Wang Yi thậm chí còn phát biểu tại Diễn đàn An ninh Thế giới Munich rằng: “Chúng tôi tin tưởng rằng Trung Quốc sẽ vươn lên mạnh mẽ hơn sau dịch bệnh. Nhu cầu tiêu dùng bị dồn nén sẽ kích thích giải phóng tiềm năng tăng trưởng. Trung Quốc sẽ chứng kiến sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững hơn bao giờ hết… Nền kinh tế Trung Quốc có vị thế tốt để vượt qua mọi rủi ro và thách thức. Các nguyên tắc cơ bản để duy trì tăng trưởng kinh tế là không thay đổi”.