Cụ thể, danh mục sản phẩm thức ăn chăn nuôi theo tập quán được phép lưu hành tại Việt Nam của Thông tư số 02 có hiệu lực từ 11-2-2019 liệt kê thức ăn có nguồn gốc từ thực vật, thức ăn có nguồn gốc từ động vật; sữa và sản phẩm từ sữa; sản phẩm dầu, mỡ.
Thức ăn có nguồn gốc từ thực vật chỉ bao gồm: ngô, thóc, lúa mì, gluten, đậu tương, khô dầu, sắn, hạt các loại; thức ăn thô như cỏ khô, cỏ tươi , rơm, vỏ trấu; phụ phẩm của ngành sản xuất cồn ethylic từ hạt cốc; mía; các loại củ khoai tây, khoai lang, khoai môn , khoai sọ , và các loại bã…
Danh mục này không đề cập tới nhiều loại nguyên liệu mà người dân, trong tập quán vẫn sử dụng cho việc chăn nuôi. Chẳng hạn, cho thỏ ăn khoai tây, lá khoai, sắn, rau muống; cho lợn ăn cám bèo tây, thân chuối… Rồi nuôi, đào trùn quế để nuôi gà, nuôi cá.
Vậy phải chăng từ nay, chăn nuôi bằng các loại rau, quả, động vật này sẽ là bất hợp pháp? Sản phẩm chăn nuôi từ các nguồn nguyên liệu này sẽ không được lưu hành?
Trả lời PV PLO về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đơn vị đề nghị ban hành thông tư, cho biết: Thông tư số 02/2019/TT-BNNPTNT có nội dung kế thừa Thông tư số 26/2012/TT-BNNPTNT ngày 25-6-2012.
"Thông tư 26 đã có nội dung này, nay cần sửa đổi bổ sung thì Bộ dự thảo, ban hành nhanh để tiếp tục lưu hành, giúp quá trình sản xuất của người dân và doanh nghiệp không bị ách tắc", ông Dương nói.
Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi cũng thông tin thêm, thật ra các loại thức ăn chăn nuôi như thức ăn hỗn hợp, thức ăn đậm đặc, thức ăn bổ sung là do doanh nghiệp tự đăng ký và công bố lưu hành thì mới được sản xuất. Điều này đã được nói rõ trong Nghị định số 39/2017/NĐ-CP về quản lý thức ăn chăn nuôi, thủy sản.
Còn các loại thức ăn theo tập quán, truyền thống mà không có người dân, doanh nghiệp nào đăng ký thì Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm công bố những sản phẩm này, dưới dạng thông tư.
"Thông tư 02 vừa rồi mới gia hạn và ban hành danh mục đợt đầu, với những nhóm chính, cơ bản để phục vụ cho quá trình sản xuất của người dân và doanh nghiệp không bị ách tắc. Còn những sản phẩm như rau, bèo, chuối... đương nhiên cũng là sản phẩm thức ăn chăn nuôi theo tập quán, người dân vẫn đang sử dụng, không ảnh hưởng gì.
Chúng tôi sẽ tiếp tục rà soát, công bố. Mà chăn nuôi theo tập quán thì sản phẩm chủ yếu để tự sản tự tiêu. Cục đã lường trước được điều này”, ông Dương nói.
Ngoài ra, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi cũng cho biết, dù là bèo, cây chuối, hay cà chua, cà rốt, bắp cải… là những sản phẩm thức ăn chăn nuôi theo tập quán cũng phải xác định tiêu chuẩn, quy chuẩn, có chất lượng tối thiểu mới được đưa vào làm thức ăn chăn nuôi, do đó cần có thời gian để Bộ tiếp tục cập nhật.
Ông Nguyễn Xuân Dương , Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,
Với những loại thức ăn chăn nuôi mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa cập nhật, quy định cụ thể về tiêu chuẩn, kỹ thuật thì tôi cũng khuyên bà con không nên tận dụng quá. Chẳng hạn như cà rốt, su hào, cải bắp… để thối hết ở ngoài đồng thì không nên cho heo, cho gà ăn nữa. Cũng không nên sử dụng các loại thức ăn mà có nguy cơ tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, các loại thức ăn có dòi bọ, nhiễm khuẩn… Bây giờ dịch bệnh rất nhiều, ảnh hưởng đến chất lượng thịt, trứng, sữa.
"Chưa ai phạt đâu, nhưng hộ chăn nuôi vẫn nên xác định rõ là nên sử dụng thức ăn đảm bảo, an toàn. Không nên nghĩ heo nhà tôi, tôi thích cho ăn gì thì cho", ông Dương nói.