Các đơn vị không giải ngân được vốn đầu tư công chứng tỏ kém năng lực, sẽ bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ - Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.
Tại hội nghị về công tác giải ngân vốn đầu tư công và các giải pháp nuôi dưỡng nguồn thu trong năm 2020, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) TP.HCM Lê Thị Huỳnh Mai cho biết: Tính đến hết ngày 23/8, tổng số vốn đầu tư công đã giải ngân là gần 21.280 tỷ đồng, đạt 50,5% tổng kế hoạch vốn TP đã giao (hơn 42.139 tỷ đồng).
Nếu tính cả khối lượng hoàn thành nhưng chưa thực hiện xong thủ tục giải ngân tại Kho bạc Nhà nước TP (hơn 2.127 tỷ đồng), thì tỷ lệ giải ngân đạt 55,5% kế hoạch vốn đã giao.
Theo bà Lê Thị Huỳnh Mai, số vốn giải ngân lớn hơn gấp 2,35 lần so với cùng kỳ, tỷ lệ giải ngân cũng tăng hơn gấp 1,89 lần cùng kỳ.
TP.HCM phấn đấu cuối năm đạt tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 100% theo cam kết |
“TP.HCM phấn đấu năm 2020 giải ngân đạt trên 95% kế hoạch, tập trung vào các giải pháp: Sở KH-ĐT tham mưu UBND TP dự kiến tháng 9 ban hành Chương trình hành động thực hiện trong 3 tháng cuối năm 2020; đẩy nhanh tiến độ giải ngân, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp; tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh”, Bà Mai nói.
Bà Mai cho biết, đối với các dự án ODA, TP chủ động làm việc với Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính để thống nhất xác định giá trị vốn ODA cấp phát từ ngân sách Trung ương trong tháng 9/2020. Từ đó, làm cơ sở giải ngân hết số vốn ODA cho các dự án trọng điểm của TP.
Phân nhóm các dự án gặp vướng mắc về thủ tục đầu tư, xây dựng, đấu thầu; vướng mắc về thủ tục đất đai, giải phóng mặt bằng; vướng mắc về kế hoạch vốn và thủ tục giải ngân. Từ đó, lựa chọn một số dự án trọng điểm giải ngân thấp để thảo luận, giải quyết.
Mặt khác, tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư đối với các dự án có thu hồi đất. Tổ chức triển khai việc áp dụng thí điểm cơ chế, quy trình đặc thù để rút ngắn thời gian thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng dự án có thu hồi đất trên địa bàn TP.
Tuy nhiên, theo ông Phong, vẫn còn một số đơn vị giải ngân chưa đạt yêu cầu. Đó là quận 2, quận 4, quận5, quận 9, huyện Nhà Bè, Ban quản lý các Công trình giao thông TP,... đạt mức trung bình trên 40%, chưa hoàn thành nhiệm vụ.
Theo Chủ tịch TP.HCM Nguyễn Thành Phong, các đơn vị không tiêu thụ được vốn đầu tư công chứng tỏ cán bộ kém năng lực |
Theo ông Phong, những đơn vị đạt tỷ lệ giải ngân thấp ngoài nguyên nhân khách quan thì còn có nguyên nhân chủ quan. Đó là, khi đăng ký vốn mà không lường hết khả năng thực hiện là do năng lực quản lý kém, năng lực tiêu thụ vốn kém.
Ông Phong nhìn nhận, việc giải ngân chậm của các địa phương cũng từ sự chậm trễ và có phần trách nhiệm của UBND TP. “Thủ tục chậm nằm ở sở, ngành nào thì phải rà soát lại, không để chậm trễ, gây khó khăn cho các địa phương.
Các địa phương báo cáo còn có sự chậm trễ của Hội đồng thẩm định giá, cái này tôi sẽ yêu cầu anh Liêm (Phó chủ tịch TP. Lê Thanh Liêm) sớm có chỉ đạo tháo gỡ. Tuy nhiên, tôi yêu cầu các Sở, ngành cũng phải đốc thúc UBND TP để việc chạy nhanh hơn, đừng ngại ngùng, đừng sợ trách nhiệm”, ông Phong chỉ đạo.
Cũng theo ông Phong, trách nhiệm chậm trễ của UBND TP, mà cụ thể là từ Hội đồng thẩm định giá thì đừng đổ lỗi cho cấp dưới. “Lỗi có phần từ cấp trên mà cứ đổ lỗi cho cấp dưới, rồi cuối năm phê bình cấp dưới không hoàn thành nhiệm vụ là không công bằng, không dám nhìn nhận trách nhiệm”, ông Phong bức xúc.
Qua phân tích, đánh giá từng nguyên nhân cụ thể ông Phong yêu cầu các đơn vị phải cam kết đến tháng 10 phải đạt kết quả giải ngân 80% và đến cuối năm phải đạt ít nhất 95% kế hoạch.
Hồ Văn