Trong một báo cáo về các ngân hàng Việt Nam mới đây, tổ chức xếp hạng uy tín Moody’s của Mỹ đã nhận xét quá trình chuyển đổi số hóa của các ngân hàng Việt Nam đang diễn ra chậm. Thậm chí, Moody’s còn nhấn mạnh, sự chuyển đổi số hóa của các ngân hàng đã chậm chân hơn rất nhiều so với các ngân hàng trong khu vực. Nguyên nhân chính là các ngân hàng trong nước vẫn đang phải tập trung giải quyết các vấn đề liên quan tới giai đoạn đổ vỡ tín dụng 2011-2012. Những vấn đề đó bao gồm nợ xấu, sở hữu chéo, thiếu minh bạch và quản trị doanh nghiệp yếu kém.
Chính sự chậm trễ trong việc ứng dụng công nghệ để đưa ra các dịch vụ, sản phẩm tài chính mới của các ngân hàng đã tạo ra một khoảng trống lớn trên thị trường tài chính. Các công ty fintech đã tận dụng cơ hội này để tham gia vào thị trường tài chính Việt Nam từ mấy năm trước, phá vỡ thị trường ngân hàng truyền thống. Fintech chủ yếu được phát triển về các lĩnh vực như thanh toán, hỗ trợ các khoản vay mượn thực hiện với các công ty cho vay, quản lý tài sản, hỗ trợ tư vấn tài chính. Năm ngoái, Samsung đã chính thức cho ra mắt ứng dụng Samsung Pay, thanh toán trực tuyến qua điện thoại di động, tại Việt Nam. Còn các công ty fintech khác như MOMO, MOCA hay VNPay cũng đã cho thấy sức mạnh ban đầu và khả năng mở rộng của mình trên thị trường.
Theo Moody’s, một trong những động lực cho fintech phát triển là số người sử dụng dịch vụ ngân hàng vẫn còn thấp – chỉ khoảng 1/3 người trưởng thành có tài khoản ngân hàng. Do đó, công nghệ tài chính được cho là sẽ lấp đầy khoảng trống đó, đặc biệt là với những khách hàng sống ở khu vực nông thôn.
Dù chậm chân, nhưng sự thật thì các ngân hàng cũng tỏ ra khá sốt sắng trước sự thâm nhập của các công ty công nghệ vào lĩnh vực tài chính. Một số đã bắt đầu áp dụng công nghệ vào dịch vụ của mình. như Ngân hàng Quân đội đã kết hợp với Facebook cho phép khách hàng chuyển tiền qua mạng xã hội này. Hay TPBank triển khai hệ thống ngân hàng tự động LiveBank cho phép khách hàng không cần vào chi nhánh vẫn có thể thực hiện được các giao dịch như chuyển tiền, gửi tiền, mở sổ tiết kiệm, rút tiền…
Tuy nhiên, báo cáo của Moody’s chỉ ra rằng, hoạt động số hóa của hầu các ngân hàng mới chỉ là tập trung nguồn lực để cải thiện nền tảng internet banking và mobile banking nhằm tăng cường dịch vụ giao dịch trực tuyến cho các khách hàng hiện tại. Những hoạt động số hóa này vẫn chưa thể hướng tới những nhóm khách hàng chưa từng hoặc chưa có khả năng tiếp cận tới dịch vụ ngân hàng như các công ty fintech đang làm. Ngay cả với những khách hàng quen thuộc của ngân hàng cũng đang đòi hỏi nhiều hơn sự tiện ích và các dịch vụ gia tăng khác mà hầu hết lại chưa được đáp ứng.
Rõ ràng, quá trình chuyển đổi số hóa của các ngân hàng chưa thể bắt kịp được với kỳ vọng của khách hàng, cũng như bắt kịp với sự phát triển của các công ty fintech. Với nhiều ngân hàng, cách tốt nhất để chống lại sự cạnh tranh từ các công ty fintech là trở thành đối tác với những công ty này.
Nhưng không phải ngân hàng nào cũng đi theo cách đó. Gần 4 tháng trước, VPBank đã ra mắt thị trường một sản phẩm ngân hàng số mới mang tên YOLO. Không sử dụng chung nền tảng ngân hàng lõi (core banking) như các ứng dụng ngân hàng số khác, YOLO là một ứng dụng ngân hàng số được phát triển dựa trên công nghệ hoàn toàn độc lập phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới như AWS – nền tảng dịch vụ đám mây an toàn mang đến khả năng tính toán, lưu trữ cơ sở dữ liệu…. Nền tảng công nghệ này cho phép YOLO phát triển nhanh hơn các công nghệ hiện có của ngân hàng truyền thống. Hơn nữa, nền tảng công nghệ độc lập cũng cho phép YOLO có khả năng kết nối với một hệ sinh thái đa dạng và rộng lớn các dịch vụ và sản phẩm được cung cấp bởi các đối tác tại Việt Nam.
Ông Shameek Bhargava, Giám đốc Ngân hàng số YOLO của VPBank, tự tin tuyên bố rằng YOLO hoạt động rất linh hoạt theo cách của một fintech, nhưng lại có tiềm lực, kinh nghiệm và các sản phẩm, dịch vụ của một ngân hàng. Vì vậy, YOLO đã vượt qua giới hạn của một ngân hàng số, không chỉ cung cấp các dịch vụ ngân hàng mà còn cung cấp các dịch vụ mang tính tiện ích thiết yếu đối với khách hàng trong cuộc sống hàng ngày. Đó là các dịch vụ gọi xe, mua vé máy bay, đặt phòng khách sạn, tư vấn sức khỏe, xem phim, nghe nhạc và cả mua sắm trực tuyến.
Khách quan mà nói, với YOLO, VPBank không còn lo ngại lắm sự mở rộng của các công ty fintech. Ở chiều ngược lại, chính các công ty này và các ngân hàng khác mới phải dè chừng YOLO.
Thực tế thì VPBank đã xác định ngân hàng số nói chung, và YOLO nói riêng, sẽ là một trong những ưu tiên hàng đầu trong những năm sắp tới. Tại đại hội đồng cổ đông được tổ chức vào tháng Tư năm nay, ông Nguyễn Đức Vinh – Tổng Giám đốc của VPBank – cho biết ngân hàng này đang tìm kiếm động lực tăng trưởng mới ở lĩnh vực ngân hàng số do lĩnh vực bán lẻ và tài chính tiêu dùng đang gặp sự cạnh tranh lớn từ các ngân hàng khác. Để làm được điều đó, VPBank phải đi theo cách riêng. Tức là phải tạo ra các fintech của riêng mình thay vì phụ thuộc vào một bên khác. Đó có lẽ cũng là con đường mà nhiều ngân hàng sẽ tiến tới để thích nghi với sự phát triển của thị trường trong thời đại số hóa.
"Nếu bạn không khác biệt, không giữ được tính kết nối thường xuyên với khách hàng, ứng dụng của bạn sẽ bị lãng quên và đây là điểm mấu chốt mang tính sống còn đối với các ngân hàng số," ông Shameek nói.