Không thể khả thi khi tiền của một người nhưng giao cho người khác thẩm định, quyết định trong khi chưa biết mình sẽ được bao nhiêu tiền, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, ông Hoàng Quang Hàm nhận xét về quy định tại dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi).
Chiều 16/11 Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án luật này.
Nên giao quyền tự quyết cho địa phương
Theo phân tích của đại biểu Hàm thì dự thảo luật quy định Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ thẩm định nguồn và khả năng cân đối vốn đối với các chương trình, dự án do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư. Còn lại tích hợp thủ tục và giao cho các bộ, ngành, địa phương thực hiện để phân cấp và giảm thủ tục.
Tuy nhiên, bằng các quy định Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư của các chương trình đầu tư chỉ sử dụng một phần vốn trung ương, Thủ tướng quyết định đối với dự án nhóm A chỉ sử dụng một phần vốn trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo các dự án đủ điều kiện vốn, bố trí vốn của kế hoạch đầu tư 5 năm, giao chi tiết danh mục và mức vốn của từng dự án cho năm kế hoạch và dự báo 2 năm tiếp theo của kế hoạch đầu tư 3 năm, thì thủ tục phần vốn Trung ương sẽ rườm rà hơn luật hiện hành.
Số lượng dự án phải trình bộ rất nhiều và một dự án phải qua bộ ít nhất 3 lần. Đồng thời, việc phân cấp cho các bộ, ngành địa phương thẩm định nguồn và khả năng cân đối vốn một số dự án sử dụng vốn trung ương dẫn đến nghịch lý là bộ, ngành, địa phương không biết trung ương phân bổ cho mình bao nhiêu tiền để thẩm định. Không thể khả thi khi tiền của một người nhưng giao cho người khác thẩm định, quyết định trong khi chưa biết mình sẽ được bao nhiêu tiền, đại biểu Hàm nhấn mạnh.
Vì vậy, theo ông Hàm, nếu thực sự muốn phân cấp thì nên giao quyền tự quyết cho địa phương toàn bộ phần vốn bổ sung có mục tiêu của trung ương cho địa phương. Địa phương có trách nhiệm sử dụng hiệu quả, đúng mục tiêu và báo cáo lại để kiểm soát, hậu kiểm, kiên quyết thu hồi và xử lý trách nhiệm nếu sử dụng sai mục đích. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ nên tham gia vào các dự án 100% vốn trung ương.
Vẫn theo nhận xét của đại biểu Hàm thì mong muốn của Ban soạn thảo là phân cấp mạnh và giảm thủ tục đầu tư nhưng thiết kế nhiều điều khoản của luật lại không đáp ứng được yêu cầu đó.
Cụ thể, việc điều chỉnh, phân loại dự án quan trọng quốc gia là dự án sử dụng vốn đầu tư công từ 35.000 tỷ đồng trở lên, gấp 3,5 lần quy định hiện hành để giảm việc trình Quốc hội là chưa đủ căn cứ vì không có biến động lớn về chỉ số giá tiêu dùng.
Dự án loại này phát sinh ít, kế hoạch trung hạn chỉ có hai dự án trình Quốc hội không có vướng mắc gì. 35.000 tỷ là khá lớn so với vốn đầu tư từ ngân sách. Đồng thời, việc điều chỉnh chưa nhìn nhận ưu điểm, trình Quốc hội sẽ có ngay bước vốn và chắc chắn được bố trí đủ vốn, có ngay các chính sách đặc thù và được Quốc hội cho nhiều ý kiến hữu ích để hoàn chỉnh dự án. Vì vậy, cần cân nhắc lại, không nên giảm thẩm quyền hợp lý và cần thiết của Quốc hội, ông Hàm phân tích.
Lập luận của đại biểu Hàm nhận được sự đồng tình của một số vị khác.
Đưa tiền về một túi
Theo Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, ông Trần Quang Chiểu thì lần sửa đổi này cần tập trung quản lý ngân sách nhà nước về một mối kể cả chi thường xuyên và chi đầu tư.
Đại biểu nói, việc sử dụng nguồn lực chi cho đầu tư phát triển vừa qua chưa đạt được kỳ vọng, chưa tương xứng với số tiền bỏ ra. "Nguyên nhân có nhiều song tôi cho rằng nguyên nhân rất quan trọng là việc quản lý ngân sách nhà nước còn phân tán. Do vậy, cần đưa nhiệm vụ chi đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước hay gọi là đầu tư công về một bộ quản lý về ngân sách nhà nước ", ông Chiểu đặt vấn đề.
Lý do cần đưa tiền về một túi, theo đại biểu là hiện nay ngân sách nhà nước do hai cơ quan quản lý, đó là Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ quản lý và phân bổ chi đầu tư và Bộ Tài chính quản lý phân bổ chi thường xuyên. Việc này dẫn đến tình trạng nguồn lực phân tán chồng chéo, thiếu thống nhất trong quản lý ngân sách nhà nước, từ đó làm giảm hiệu quả chi ngân sách nhà nước, sử dụng ngân sách nhà nước phân tán, manh mún, xé lẻ, thiếu sự gắn kết giữa chi đầu tư và chi thường xuyên.
Hai bộ quản lý cũng dẫn đến sự co kéo trong xây dựng kế hoạch giữa dự báo nguồn thu và yêu cầu chi. Thiếu thông tin cho các cấp, thông tin không kịp thời, thiếu chính xác, không rõ trách nhiệm của từng cơ quan.
Vừa qua, khi sửa đổi Luật Quản lý nợ công, Quốc hội đã làm được một việc và một bước rất quan trọng là đưa về một đầu mối thống nhất quản lý đối với nợ công. Vậy, tại sao lần này chúng ta không mạnh dạn tiến thêm một bước nữa để có sự quản lý thống nhất đối với toàn bộ lĩnh vực đầu tư công nói riêng và quản lý ngân sách nhà nước nói chung, ông Chiểu đề nghị.