Kỳ nghỉ lễ tại các cảng Long Beach và Los Angeles - khu liên hợp vận tải biển nhộn nhịp nhất nước Mỹ, luôn luôn náo nhiệt. Nhưng năm 2021 lại là một năm không giống bất kỳ năm nào.
Sự bùng nổ nhu cầu mua hàng và cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng đã dẫn đến tình trạng ùn ứ chưa từng có của các tàu nằm ngoài khơi với những chồng container cao ngất ngưởng làm tắc nghẽn toàn bộ bến tàu. Bên trong cảng, hàng nghìn công nhân đang làm việc suốt ngày đêm để bốc dỡ từng chiếc container chứa ti vi, xe đạp, vật tư y tế và nhiều thứ khác, chất lên các chuyến tàu hỏa và những người lái xe tải đang chờ đợi để chở đến các khu dân cư gần đó. Cuối cùng, hàng hóa được đưa đến các nhà kho, cửa hàng và đến tay những người tiêu dùng.
Danny Miranda, chủ tịch ILWU Local 94, công đoàn đại diện cho những người làm việc trên tàu, cho biết: "Nó giống như giao thông trên xa lộ vào giờ cao điểm vậy", "Không có nơi nào để đi. Mọi không gian đều đang được tận dụng hết công suất".
Vào tháng 6, cảng Los Angeles trở thành cảng đầu tiên ở Tây bán cầu xử lý 10 triệu đơn vị container trong 12 tháng. Tháng này qua tháng khác, khu phức hợp này thường xuyên chứng kiến số lượng kỷ lục các tàu chở hàng bị mắc kẹt ở vùng biển gần đó. Việc tồn đọng khiến một số tàu phải chạy không tải ở vùng biển bên ngoài cảng trong nhiều tuần, thải ra các chất ô nhiễm, tạo ra thách thức cho người tiêu dùng và các nhà bán lẻ, đặc biệt là trong kỳ nghỉ lễ.
Đại dịch khiến khách hàng gia tăng mua sắm trực tuyến, làm xáo trộn chuỗi cung ứng toàn cầu.
Các quan chức địa phương và chính quyền đang làm việc vất vả để giảm lượng công việc tồn đọng, bao gồm cả việc chuyển sang hoạt động 24/7. Nhưng với sự thiếu hụt tài xế xe tải để vận chuyển hàng hóa và không gian nhà kho, thì việc lưu thông trở lại như bình thường có lẽ vẫn còn xa vời.
Vào thời điểm đầu năm nay, trước khi vắc-xin được phổ biến rộng rãi, hơn 5% trong số 15.000 công nhân đóng tàu tại hai cảng đã bị nhiễm virus corona. 22 công nhân đã mất vì Covid trong suốt thời gian xảy ra đại dịch.
Đại dịch bùng phát ở Mỹ dẫn đến tình trạng giãn cách cũng như hạn chế sử dụng các dịch vụ thiết yếu, khiến chi tiêu của người tiêu dùng vào hàng hóa tăng vọt. Người Mỹ đang tiếp tục chi tiêu nhiều hơn bao giờ hết cho hàng hóa và chuỗi cung ứng đang phải vật lộn để bắt kịp.
"Người Mỹ đang mua thêm 20-25% container từ Trung Quốc. Nếu bạn có một hệ thống được thiết lập để tăng trưởng từ 2-4% và bạn yêu cầu nó tăng trưởng đến 25% trong một đêm thì thực sự, đó là điều không thể" - Edward Renwick, phó chủ tịch hội đồng quản trị cảng Los Angeles cho biết tại một cuộc họp hội đồng gần đây.
Hàng chục tàu chở container chờ ở ngoài khơi các cảng, gây tắc nghẽn xung quanh Los Angeles.
Bill Michels, Phó chủ tịch phụ trách hoạt động khu vực Châu Mỹ tại Viện Mua sắm và Cung ứng Chartered cho biết: "Tôi cho rằng sẽ có khá nhiều thứ không có sẵn cho Giáng sinh. "Tôi không nghĩ mọi người sẽ nhận được những món quà mà họ đã lên danh sách. Sẽ có ít sự lựa chọn hơn."
"Đại dịch đã làm thay đổi mọi thứ. Mọi người muốn được giao hàng vào ngay hôm sau. Chính Amazon đã tạo ra mô hình này và giờ thì tất cả chúng tôi đều mắc kẹt với nó", Michels nói.
Các chuyên gia cảnh báo việc giảm lượng hàng tồn đọng tại khu liên hợp cảng sẽ đòi hỏi nhiều tài xế xe tải hơn cũng như nhu cầu của người tiêu dùng phải giảm xuống. Theo cơ quan thương mại, Mỹ cần thêm khoảng 80.000 lái xe so với hiện tại - tình trạng thiếu hụt do lương thấp, thời gian làm việc kéo dài và điều kiện làm việc đầy khó khăn.
California đã tăng tải trọng mà các tài xế xe tải được phép chở trên các xa lộ của tiểu bang và mở rộng khả năng cấp giấy phép thương mại cho các phương tiện cơ giới. Katheryn Russ, giáo sư kinh tế tại UC Davis, cho biết nếu không có nhiều tài xế hơn để vận chuyển hàng hóa, tình trạng tồn đọng sẽ vẫn còn.
Xe tải xếp hàng dài, các tài xế đang chờ đợi để được vào bến tàu ở cảng Long Beach vào tháng 11.
Russ nói, các vấn đề về chuỗi cung ứng cũng có thể là lời cảnh tỉnh cho người tiêu dùng xem xét lại hành vi mua hàng của mình. "Nó gợi cho tôi như một lời nhắc nhở về sự dư thừa trong cuộc sống hàng ngày". "Đó không phải là trường hợp của tất cả mọi người nhưng đối với rất nhiều người, chúng ta đã có quá nhiều thứ rồi, vì vậy thật là tuyệt vời khi chúng ta đối xử nhẹ nhàng hơn với môi trường".
Miranda và các quan chức cảng hy vọng dự luật cơ sở hạ tầng trị giá 1,2 tỷ đô la do tổng thống Joe Biden ký gần đây sẽ giúp giảm bớt khó khăn trong dài hạn, cùng với 17 tỷ đô la sẽ được chuyển đến các cảng. Các khoản đầu tư vào ngành đường sắt cũng sẽ mở rộng công suất, giúp hàng hóa di chuyển nhanh hơn.
Nhưng trong thời gian chờ đợi các biện pháp được thực hiện, cách tiếp cận tốt nhất để loại bỏ tình trạng thiếu hụt chuỗi cung ứng là giảm thiểu sự lây lan của Covid-19, tăng khả năng kiểm tra xét nghiệm nhanh và giải quyết sự lây lan trong cộng đồng.
Nguồn: The Guardian