5 giờ sáng mỗi thứ 2, thứ 4 và thứ 6, Kim Ye-ji (32 tuổi) lại bắt đầu công việc quét dọn tại một văn phòng với "đồ nghề" là chổi và cây lau nhà. Một ngày làm việc tại các khu phức hợp nhà ở, bệnh viện và văn phòng của cô kết thúc vào buổi trưa, khi hầu hết mọi người đang bận suy nghĩ buổi trưa ăn gì.
Bae Yoon-seul (28 tuổi) cũng là một người thuộc thế hệ Millennials bắt đầu ngày mới vào sáng sớm. Cô dậy từ 5 giờ sáng, dành hơn 1 tiếng để đi đến công trường nơi cô cùng một nhóm công nhân dán giấy dán tường cho những căn hộ mới xây.
Trước đây, việc sinh viên tốt nghiệp đại học ở Hàn Quốc làm những công việc tay chân như dọn dẹp hay công nhân ở công trường được coi là "không phù hợp".
"Ở chỗ làm, một số người thường hỏi tôi ‘Người trẻ cũng làm việc này à’ hay ‘Đây có phải công việc bán thời gian của bạn không?’. Đôi khi, họ nghĩ rằng tôi là một bà mẹ trẻ cần tiền. Tôi chỉ đang làm công việc của mình nhưng họ sẽ nghĩ ra đủ thứ để giải thích cho sự lựa chọn nghề nghiệp này.
Tôi đã làm nhân viên dọn vệ sinh hơn 7 năm nay. Ngoài tiền bạc, tôi đã có được nhiều thứ qua công việc này. Do đó, tôi học cách bỏ qua đánh giá của mọi người", Kim Ye-ji chia sẻ.
Về phần mình, Bae cũng đã vượt qua những trở ngại ban đều về thể chất và tâm lý khi làm việc tại các công trường xây dựng bằng cách tự nhủ: "Hãy cố gắng vượt qua tuần này, tháng này, rồi chờ đến kỳ nhận lương tiếp theo". Đã 2 năm trôi qua từ khi cô bắt đầu công việc. Giờ đây, mục tiêu của cô là một ngày nào đó được công nhận là thợ dán giấy dán tường chuyên nghiệp.
Lựa chọn nghề nghiệp của Kim và Bae không phải hiếm trong thế hệ Millennials ở Hàn Quốc. Năm 2020, các thành phố Jinju và Changwon của tỉnh Gyeongsang Nam đã thông báo tuyển dụng nhân viên dọn vệ sinh đường phố. Gần một nửa số người nộp đơn ứng tuyển ở độ tuổi 20-30.
Những câu chuyện đằng sau lựa chọn nghề nghiệp độc đáo của thế hệ trẻ Hàn Quốc ngày càng được quan tâm. Hai cuốn tự truyện của Kim và Bae về công việc của mình đều lọt vào danh sách sách bán chạy nhất của cửa hàng sách trực tuyến hàng đầu Yes24.
Đến nay, hai cô gái vẫn tiếp tục được mời tham gia các buổi trò chuyện hay thuyết trình, đặc biệt là trước học sinh cấp 2, cấp 3 – những người đang phân vân về việc lựa chọn công việc tương lai.
Xu hướng Millennials theo đuổi công việc khác với nghề được thế hệ trước coi là "danh giá" đã trở nên nổi bật hơn trong những năm gần đây. Một số chuyên gia cho rằng thị trường lao động đầy biến động đóng vai trò quan trọng với sự thay đổi này.
Hàn Quốc có tỷ lệ người từ 25 đến 34 tuổi có trình độ đại học cao - 69,8% vào năm 2020, cao hơn nhiều so với mức trung bình của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế - OECD là 45,5%. Tuy nhiên theo Bộ Giáo dục xứ sở kim chi, những người này vẫn gặp khó khăn khi tìm việc làm, dẫn tới tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên cao.
Suh Yong-gu, giáo sư quản lý kinh doanh tại Đại học Nữ sinh Sookmyung, cho biết: "Khi cánh cửa đến những công việc truyền thống được trả lương cao dường như đóng lại, một số người bắt đầu tìm kiếm các nguồn thu nhập khác ổn định hơn và có tiềm năng hơn".
Theo ông, những việc liên quan đến tay chân như lao công và dán tường đang được coi là giải pháp thay thế phù hợp. Nhưng ông nói thêm rằng người trẻ tuổi Hàn Quốc chọn công việc độc đáo không chỉ do thất vọng về kinh tế. Thay vào đó, xu hướng này phản ánh thái độ của họ với sự nghiệp. Với họ, công việc không chỉ để kiếm tiền mà còn là phương tiện để khám phá các mục tiêu và đam mê khác trong cuộc sống.
Đó là trường hợp của Kim. Sau khi theo học chuyên ngành hội họa phương Tây ở trường đại học, niềm đam mê của cô nằm ở những bức tranh minh họa. Nhưng nỗ lực không thành công trong việc quảng bá công việc thông qua blog, mạng xã hội và hội chợ đã khiến cô nản lòng trong nhiều năm.
Giờ đây, công việc dọn dẹp không chỉ trở thành nguồn thu nhập ổn định mà còn là chủ đề trong cuốn sách thành công của cô, "Yes, I Am a Cleaner" - được viết dưới dạng tiểu thuyết đồ họa.
Kim tin rằng nhờ mạng xã hội, người trẻ đang cởi mở hơn trong việc chia sẻ về lựa chọn nghề nghiệp của mình. "Ngày nay, bạn có thể tự do kể câu chuyện của mình, trên mạng xã hội hay thậm chí là viết sách", cô nói.
Bae cũng nói rằng vấn đề tiền bạc và thất nghiệp không phải là nguyên nhân khiến cô bắt đầu nghề dán giấy dán tường. Công việc trước đây của cô là nhân viên xã hội, nơi những nỗ lực thử những điều mới mẻ không được đánh giá cao, khiến cô nhận ra rằng mình chỉ là chiếc răng cưa có thể thay thế trong một tổ chức không linh hoạt.
Sau khi cân nhắc ưu và nhược điểm của nhiều ngành nghề kỹ thuật, cô nhận thấy việc dán giấy dán tường là phù hợp nhất vì cô có thể đáp ứng nhu cầu thể chất theo yêu cầu.
Koo Jeong-woo, giáo sư xã hội học tại Đại học Sungkyunkwan, cho biết cách kể chuyện của Kim và Bae phản ánh "sự tự tin về văn hóa độc đáo của những người ở độ tuổi 20 và 30".
Nguồn: KT