Tuy nhiên, từ việc nới van tín dụng tiêu dùng của ngành Ngân hàng, cho đến việc người dân, đặc biệt là dân nghèo ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa có tiếp cận được vốn ngân hàng hay không còn tiếp tục tháo gỡ. Phóng viên Báo CAND đã có cuộc trao đổi với Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú về vấn đề này.
Chính quyền, tổ chức đoàn thể cùng vào cuộc
PV: Thưa ông, thực ra, từ trước tới giờ, sở dĩ ngân hàng “quay lưng” với nhiều người dân, vì họ không đủ các tiêu chí vay vốn theo quy định. Vậy, bây giờ “nới” các tiêu chí này, liệu có mâu thuẫn giữa mục tiêu cao nhất là bảo toàn đồng vốn, lợi nhuận kinh doanh cũng như an toàn hệ thống với việc chống “tín dụng đen”?
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú.
PTĐ Đào Minh Tú: Để trả lời câu hỏi, này, trước tiên tôi muốn làm rõ các đối tượng đang vay vốn từ “tín dụng đen”. Thứ nhất, là những người có nhu cầu chính đáng, hợp pháp, nhưng chưa tiếp cận được tín dụng NH.
Đối tượng này có 2 khía cạnh: Một là không tiếp cận được do thủ tục vay NH không đơn giản, mà rất chặt chẽ. Đây là điều hiển nhiên, vì NH là doanh nghiệp và việc cho vay phải đảm bảo an toàn đồng vốn. Hai là khía cạnh người vay, họ có xu hướng nghĩ rằng đến NH khó khăn, không được vay dù có nhu cầu chính đáng như ốm đau, ma chay, cưới xin, học phí, viện phí hay cần mua một cái gì đó gấp. Thực tế, nhiều người có nhu cầu gấp, nhưng thủ tục kéo dài nên họ ngại khó khăn.
Thứ 2 là nhiều đối tượng vay bất hợp pháp như cờ bạc, lô đề, nghiện hút…. không thể đến vay NH vì chắc chắn không được vay. Nếu có lỡ lọt thì khi phát hiện ra, NH cũng sẽ tìm cách khoanh lại, đòi nợ, nên họ phải tiếp cận “tín dụng đen”.
Điều này liên quan đến an ninh trật tự nên lực lượng Công an và chính quyền địa phương phải xử lý đối tượng vay và cho vay mục đích phi pháp. Còn NH phải chủ động làm sao cho người dân có nhu cầu vốn hợp pháp tiếp cận được vốn chính thức. Cho vay tiêu dùng cần phải giải quyết nhanh nhất, trong khi NH cần phải xác định được mục đích, đối tượng, tính hiệu quả, dòng tiền…
Để đáp ứng được điều kiện này, phải có thời gian, dù cho vay sinh hoạt món vay không lớn, nhưng chí ít NH phải có được 2 điều kiện: biết người vay là ai, biết rõ mục đích làm gì. Chính vì thế, mâu thuẫn hay khó nhất của NH là phải cho vay nhanh, ưu tiên để họ giải quyết được những nhu cầu bức thiết của cuộc sống, nhưng vẫn phải đảm bảo được câu chuyện thu nợ, NH an toàn đồng vốn, vì nếu cho vay mà không thu nợ được, trở thành tiền cấp phát thì không phải là tín dụng.
Muốn làm được cả hai việc này, phải có các tổ chức chính trị xã hội trên địa bàn, nhất là chính quyền địa phương cơ sở hỗ trợ.
Hiện nay, mô hình Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) là thế. Cho vay người nghèo, thậm chí rất nghèo nhưng vẫn trả nợ, vì họ vay chính đáng. Tất nhiên cũng có trường hợp rủi ro, phải đưa vào xử lý do mất vốn, nhưng tỷ lệ thấp. Điều quan trọng là họ vay chính đáng, những người dân có lòng tự trọng trong sinh hoạt, bao giờ họ cũng sẽ trả nợ, dù có thể chậm, thì NH hoãn, giãn nợ, kéo dài thời hạn cho vay, nhưng họ sẽ trả. Chỉ sợ cho vay không đúng, để làm việc khác, hoặc những người gian dối, lừa đảo, với giấy tờ tùy thân không chính xác.
Vì thế, 1 trong 5 giải pháp NHNN đưa ra là phải tiếp cận, hay đúng hơn là NH chủ động với chính quyền địa phương, chính quyền cơ sở, thôn, xã, phương, tổ dân phố, hội phụ nữ, hội cựu chiến binh, hội nông dân, họ xác định đúng là ông/bà này ở địa bàn, có nhu cầu khách quan, vì chỉ có những người hằng ngày sinh hoạt thì mới biết nhu cầu thật, chứ cán bộ NH không thể lúc nào cũng làm được việc đó. Đây là kinh nghiệm của NHCSXH, chúng ta tiếp tục vận dụng cho tài chính tiêu dùng.
PV: Nhưng điều quan trọng là NH phải có mạng lưới bao phủ để người dân vùng sâu cùng xa có thể tiếp cận được vốn, như thế mới đủ sức để “quyết chiến” với “tín dụng đen” đang vươn “vòi bạch tuộc” đến tận ngóc ngách làng bản, thưa ông?
PTĐ Đào Minh Tú: Đúng vậy, ngoài nới tín dụng tiêu dùng, NHNN đang triển khai giải pháp thứ 2 là phát triển mô hình tổ chức tài chính vi mô, hình thành tổ chức sống cùng người dân, đồng vốn luân chuyển cùng hơi thở sinh hoạt hằng ngày của người dân trong cuộc sống, với từng tổ, từng nhóm, và các thành viên trong tổ nhóm đó có nhu cầu vay vốn chính đáng sẽ được giải quyết, chia sẻ khó khăn kịp thời, không phải sang “tín dụng đen”.
Kênh thứ 3 là NHCSXH cho vay tiêu dùng. Trước đây cho vay hộ nghèo, cận nghèo, học sinh sinh viên… nay cho vay tiêu dùng phục vụ đời sống.
Trước đây cho vay sản xuất ví dụ như mua con giống, cây trồng để tăng gia, công cụ sản xuất, nay cho vay nhu cầu sinh hoạt bức thiết. Với phương thức cho vay của mình, NHCSXH tham gia vào sẽ rất hiệu quả khi cho vay người nghèo. Để giải quyết nguồn vốn, NHCSXH cho vay không còn ưu đãi, mà theo thỏa thuận, nhưng mức lãi suất tương đối và phù hợp.
Không quy định trần, nhưng nó sẽ chỉ cao hơn mức ưu đãi một chút, vào khoảng 10-12%, tối đa 15%, vì cho vay tiêu dùng tỷ lệ rủi ro cao. Ví dụ cho vay 10 đồng, mất 5 đồng, thì lãi suất phải cao để bù vào số tiền mất cho NH để bảo toàn vốn, việc cho vay này không vì mục tiêu lợi nhuận mà vì mục tiêu hỗ trợ an sinh xã hội.
Riêng Agribank đang cho vay 5 nghìn tỷ với lãi suất thỏa thuận, nhưng dù thỏa thuận cũng thấp hơn rất nhiều lãi suất của một số công ty tài chính và đặc biệt là lãi suất “tín dụng đen” cắt cổ. Lãi suất ở đây làm sao để người dân trả được, và NH bù đắp chi phí và những rủi ro cho một số khoản không thu hồi nợ được.
Tôi xin nhắc lại là NHNN đang chỉ đạo để giải quyết mâu thuẫn này: cho vay nhanh, đơn giản, đáp ứng được nhu cầu cấp thiết giải quyết được nhu cầu mà vẫn bảo toàn được đồng vốn, không bị thiệt hại và duy trì được, tái tạo quay vòng nguồn vốn cho nhiều đối tượng, ngày càng mở rộng hơn.
Để làm được điều này, phải mở rộng nhiều kênh, thứ nhất là NH thương mại mở rộng thêm, thứ 2 là hệ thống quỹ tín dụng nhân dân ở nông thôn với hơn 1.200 điểm, thứ 3 là hệ thống các tổ chức tài chính vi mô, thứ 4 là NHCSXH và thứ 5 là hệ thống các công ty tài chính.
Cho vay tiêu dùng là xu hướng phát triển
PV: Thực tế tại một số địa bàn Tây Nguyên, nhiều NH thương mại đua nhau mở chi nhánh để lấy thành tích, nhưng sau một thời gian, không thể trụ lại, mà lý do phần lớn là vì cho vay ở đó khó khăn, từ việc thẩm định tiêu chí, món vay lại nhỏ lẻ, chưa kể nguy cơ nợ xấu cao… Tóm lại là không “bở ăn”, nên đã tháo chạy, giờ trụ lại chủ yếu là NHCSXH và Agribank. Vậy, NHNN giải bài toán lợi nhuận và trách nhiệm của các nhà băng với những địa bàn vùng sâu vùng xa này như thế nào, vì một phần lớn, “tín dụng đen” đều xuất phát từ đây?
PTĐ Đào Minh Tú: Trong thời đại cách mạng 4.0, việc mở chi nhánh không nhất thiết phải có trụ sở. Hiện Agribank đang có NH lưu động, thông qua các tổ hội để cho vay vốn sản xuất, cho vay hộ gia đình rất nhanh và phù hợp. Với các tổ chức tín dụng, định hướng phát triển là cho vay nhỏ lẻ, vì bài học cay đắng cho vay các dự án lớn: chỉ cần 1 dự án đổ bể là mất cả hàng tỷ, thậm chí chục, thậm chí trăm tỷ.
Ngược lại, cho vay nhỏ lẻ chi phí nghiệp vụ cao, vất vả,… nhưng lại hiệu quả hơn, nếu tính đến cuối cùng. Ví dụ NHCSXH nợ xấu rất thấp, dưới 1%, dù chi phí nghiệp vụ cao, nhưng thực lãi tốt, nên các NH tích cực mở xuống vùng nông thôn, nhất là hiện nay tại các vùng thành thị, việc cạnh tranh rất gay gắt.
Hơn nữa, NHNN cũng đang khuyến khích, ưu tiên phát triển chi nhánh, nhưng sẽ thắt lại, hết sức hạn chế, kiểm soát chặt chẽ việc mở các chi nhánh ở thành thị, khu đô thị, để hướng về nông thôn. Còn với các NH thương mại, tất nhiên kinh doanh mục tiêu vẫn là lợi nhuận, không thể bắt họ chỉ làm chính sách và chịu lỗ.
Song thực tế, có những chi nhánh ở Gia Lai, Đắk Lắk mới mở nửa năm, mà dư nợ đã 500-600 tỷ. Nếu như vùng đó có nhu cầu, thì sẽ hút được các NH mở chi nhánh. Tất nhiên NHNN sẽ sắp xếp mạng lưới hợp lý, không thể để nước chảy chỗ trũng, dồn vào một chỗ.
PV: Thưa ông, có ý kiến nghi ngại việc cho vay tiêu dùng rủi ro cao. Vậy nới van tín dụng tiêu dùng, NHNN có tính đến khả năng gia tăng nợ xấu? NHNN có lường trước tỷ lệ cũng như chuẩn bị cách thức đối phó, xử lý?
PTĐ Đào Minh Tú: Hiện nay, con số nợ xấu cho vay tiêu dùng trong tổng dư nợ sẽ không hề lớn, nên con số tăng nợ xấu khi mở van tín dụng tiêu dùng để chống “tín dụng đen” theo tôi sẽ không đáng kể. Và với cách thức vào cuộc mạnh mẽ tích cực của ngành NH, phối hợp với các chính quyền địa phương cũng như các tổ chức chính trị xã hội, tôi cho rằng không có nghĩa tín dụng tiêu dùng là nợ xấu sẽ cao.
Điều này hoàn toàn có cơ sở tin tưởng vì NHCSXH cũng như các quỹ tín dụng nợ xấu rất thấp, nhiều quỹ 0-1%, thậm chí có quỹ dư nợ tín dụng rất cao nhưng nợ xấu 0%. Nợ xấu thường chỉ xảy ra khi không ngăn chặn được các trường hợp vay không hợp pháp, không chính đáng dẫn tới khả năng mất vốn, nhưng nếu cả Bộ Công an, ngành NH, chính quyền địa phương vào cuộc ngăn chặn thì cho vay tín dụng tiêu dùng là không đồng nghĩa với nợ xấu.
Tất nhiên tôi cũng tôi đồng ý là nó có tỷ lệ thể cao hơn những mảng khác, nhưng không đáng bao nhiêu. Con số cụ thể chưa ước lượng được, nhưng nó sẽ không cao, và NHNN cho rằng nó không đáng quan ngại.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Phó Thống đốc!