Năm 2017 đã xảy ra một số trường hợp vỡ quỹ mà lý do chủ yếu là vi phạm của người đứng đầu. Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, đã kịp thời chấn chỉnh tình trạng này để đưa hoạt động của hệ thống quỹ vào nề nếp.
Thực tế hoạt động của mô hình Quỹ tín dụng nhân dân tại Việt Nam cho thấy: số quỹ chính thức là hội viên của Hiệp hội Quỹ tín dụng nhân dân và trong hệ thống của Ngân hàng Hợp tác (Co-opbank) khoảng 1.200 quỹ.
Trong đó, Co-opbank đóng vai trò là "ngân hàng mẹ" của tất cả. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn có nhiều quỹ khác hoạt động có tính chất tương tự nhưng không nằm trong hệ thống quỹ chính thức được Ngân hàng Nhà nước cấp phép.
Cần chuẩn mực hoá hoạt động
Với vai trò và nhiệm vụ của đơn vị đứng đầu hệ thống quỹ chính thức, Co-opbank đã thể hiện được tính liên kết hệ thống, hỗ trợ nguồn, điều hoà vốn và chia sẻ kịp thời các áp lực thanh khoản cho các thành viên.
Ngoài ra, Co-opbank, với tư cách là "người mua bán vốn" chủ đạo của hệ thống cũng tăng cường chức năng giám sát các thành viên, hỗ trợ họ phát triển sản phẩm dịch vụ.
Đặc biệt, Co-opbank cũng bỏ ra một nguồn lực khá lớn để đầu tư hạ tầng kỹ thuật, trung tâm dữ liệu bảo mật làm cơ sở nền tảng cho các quỹ xây dựng sản phẩm dịch vụ phục vụ khách hàng ở vùng sâu, vùng xa.
Ngoài ra, đến nay, Co-opbank đã đào tạo nghiệp vụ chuyển tiền cho 1.300 học viên tại 466 Quỹ tín dụng nhân dân ở 47 tỉnh, thành.
Cùng đó, cũng kết nạp được khoảng 500 đơn vị vào hệ thống kết nối thanh toán trong hệ thống quỹ do Co-opbank đứng đầu (CF-eBank).
Nhờ sớm đưa vào khuôn khổ dưới sự điều hành của Ngân hàng Nhà nước và các đơn vị liên quan như Co-opbank, Hiệp hội Quỹ tín dụng nhân dân nên đến hết năm 2017, toàn hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân có thu nhập lớn hơn chi phí, với mức 800 tỷ đồng, trong khi năm 2011, con số này là 462,4 tỷ đồng. Đặc biệt, tỷ lệ nợ xấu chỉ dưới 1%.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, trong thời gian gần đây xuất hiện một số trường hợp vỡ quỹ ở Đồng Nai, trước đó là ở Hoằng Hoá, Thanh Hoá.
Đa phần nhóm quỹ có nguồn vốn từ 70 tỷ trở lên đều hoạt động hiệu quả do nguồn vốn huy động cao hơn dư nợ và quản trị đúng nề nếp.
Ngược lại, những quỹ hoạt động yếu hoặc đến mức đổ vỡ thường có nguồn thấp nhưng lại chạy đua lợi nhuận ngắn hạn, cho vay sai đối tượng, cho vay tập trung ở một vài khách hàng.
Theo một chuyên gia, sở dĩ như vậy là do một số nguyên nhân sau: nhận thức về tính liên kết hệ thống còn yếu; có biểu hiện lợi ích nhóm trong nội bộ thành viên chủ chốt của quỹ; trình độ điều hành, quản trị yếu.
Kịp thời chấn chỉnh những yếu kém
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2018 (9/1), ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết: năm 2017, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện 1.164 cuộc thanh kiểm tra đối với các tổ chức tín dụng, gồm: 844 cuộc thanh tra và 320 cuộc kiểm tra.
Qua đó, Ngân hàng Nhà nước đã chấn chỉnh kịp thời những tồn tại trong hoạt động tín dụng, huy động vốn, quản trị điều hành, trích lập dự phòng.
Đặc biệt, khối quỹ tín dụng nhân dân được Ngân hàng Nhà nước quan tâm chú ý thanh tra theo chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ngay từ đầu năm.
Ngân hàng Nhà nước đã tiến hành hàng trăm cuộc thanh kiểm tra với nhóm đối tượng này, chiếm tỷ lệ trên 40% số cuộc thanh kiểm tra toàn ngành.
Từ đó, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các Quỹ tín dụng nhân dân chấn chỉnh hoạt động, tăng cường kiểm tra kiểm soát hoạt động nội bộ.
Qua đó, trong năm 2017, Ngân hàng Nhà nước đã kịp thời phát hiện sớm một số quỹ bị mất thanh khoản và chủ động lên phương án đối phó, ổn định tình hình, không để lây lan sang an ninh trật tự tại địa phương như Quỹ tín dụng nhân dân Tân Tiến, Thái Bình ở Biên Hoà, Đồng Nai.
Tiếp đó, Ngân hàng Nhà nước cũng áp dụng một số biện pháp xử lý nghiêm khắc đối với các Quỹ tín dụng nhân dân hoạt động không đúng quy định dưới các hình thức như: đình chỉ chức vụ người đứng đầu, kiểm soát đặc biệt, thậm chí chuyển hồ sơ sang các cơ quan bảo vệ pháp luật.
Theo bà Nguyễn Thị Hoà, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Chiến lược ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước), để phát huy hiệu quả vai trò của hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân, cần giải quyết tốt các vấn đề sau.
Một là, Hiệp hội Quỹ tín dụng nhân dân phải là đơn vị nắm bắt được nhu cầu đào tạo và thực trạng hiện tại của các Quỹ tín dụng nhân dân trong hệ thống để từ đó chủ động phối hợp với Co-opbank, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố xây dựng nhu cầu đào tạo trung hạn và ngắn hạn đối với hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân.
Trong đó, cần xác định rõ những đối tượng có nhu cầu đào tạo, đối tượng cần phải đào tạo, phân nhóm các đối tượng đào tạo để xây dựng kế hoạch đào tạo hàng năm. Việc tổ chức lớp học cần đảm bảo phù hợp về mặt địa lý đối với học viên, đảm bảo việc đào tạo không gây ảnh hưởng đến công việc của các học viên.
Hai là, chính quyền địa phương các cấp cần nhận thức đúng vai trò của các Quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn; phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh/thành phố, Co-opbank và Hiệp hội Quỹ tín dụng nhân dân tích cực ủng hộ và tuyên truyền về bản chất và mục tiêu hoạt động của mô hình Quỹ tín dụng nhân dân tại địa phương.
Ba là, hỗ trợ thiết lập các cơ sở hạ tầng dịch vụ tập trung cho hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân để tăng cường khả năng cung cấp dịch vụ, phục vụ thành viên của hệ thống.
Qua đó, sớm triển khai rộng rãi hệ thống ngân hàng điện tử CF-eBank của Co-opbank để đa dạng hoá sản phẩm dịch vụ.
Song song, triển khai phần mềm tin học trên toàn hệ thống, nhằm tạo dựng một hệ thống công nghệ thông tin thống nhất, đồng bộ nhằm phục vụ công tác báo cáo của các Quỹ tín dụng nhân dân và mục tiêu giám sát an toàn hoạt động của hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân.