Ngày 27/3, Tòa án Nhân dân TPHCM đã ra phán quyết vụ ly hôn giữa 2 vợ chồng ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo.
Theo phán quyết này, bất động sản sẽ được chia đôi, ông Vũ giữ khối bất động sản trị giá 350 tỷ đồng còn bà Thảo giữ khối bất động sản trị giá 375 tỷ đồng. Bà Thảo sẽ phải trả ông Vũ phần chênh lệch khoảng hơn 12 tỷ đồng.
Tiền, vàng được tòa xác định có giá trị 1.764 tỷ đồng và Trung Nguyên có giá trị 5.737 tỷ đồng. Tòa phán quyết đây đều là tài sản chung giữa 2 vợ chồng và đều đem ra chia với tỷ lệ ông Vũ 60% và bà Thảo 40%. Ông Vũ được nhận nhiều hơn bà Thảo do tòa xem xét yếu tố đóng góp của ông Vũ.
Với tỷ lệ 6-4, giá trị tài sản thực tế mà ông Vũ được chia là 4.863 tỷ đồng (đã bao gồm bất động sản), trong khi ông Vũ đang sở hữu 6.087 tỷ đồng.
Trong khi đó, bà Thảo được chia 3.363 tỷ đồng, trong khi đang sở hữu 2.139 tỷ đồng. Cũng theo phán quyết của tòa, bà Thảo phải giao toàn bộ cổ phần tại Trung Nguyên cho ông Vũ và nhận lại tiền với giá trị tương ứng.
Theo phán quyết của Tòa án, ông Vũ sẽ phải "xoay" lượng tiền mặt trị giá hơn 1.200 tỷ đồng để trả cho bà Thảo. Đây là số tiền khá lớn khi mà theo danh sách các tài sản chung khi phân chia, ông Vũ hầu như không có tiền mặt.
Tuy vậy với số tài sản được chia, đặc biệt là quyền kiểm soát Trung Nguyên Group thì việc huy động số tiền trên để trả cho bà Thảo dường như không phải vấn đề lớn với ông Vũ.
Nếu không có nhu cầu lớn với nhà cửa, ông Vũ có thể bán số bất động sản đang nắm giữ trị giá 350 tỷ đồng của mình. Khi đó thì vẫn còn thiếu khoảng 900 tỷ đồng.
Một khi đã trở thành người kiểm soát duy nhất của Trung Nguyên Group thì việc ông Vũ lấy tiền từ Trung Nguyên thông qua việc nhận cổ tức hoặc mượn tiền từ Trung Nguyên cũng sẽ không gặp phải vấn đề xung đột lợi ích nào.
Với lợi nhuận sau thuế dao động trong khoảng 500-600 tỷ đồng/năm, Trung Nguyên luôn có lượng tiền mặt dồi dào và thậm chí đã trả gần hết nợ trong năm 2017.
Báo cáo tài chính của Trung Nguyên cho thấy, tại thời điểm cuối năm 2016 cũng như cuối năm 2017, doanh nghiệp này luôn có trên 1.600 tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi ngắn hạn.
Gần như toàn bộ lợi nhuận làm ra trong năm 2017 đã được dùng để trả nợ khi vay nợ giảm mạnh từ mức 776 tỷ đồng vào cuối năm 2016 xuống còn 71 tỷ đồng vào cuối năm 2017.
Giả sử năm 2018 Trung Nguyên tiếp tục lãi khoảng 500 tỷ đồng thì lượng tiền mặt của Trung Nguyên lại càng dồi dào, có thể lên đến trên 2.000 tỷ đồng. Khi đó thì việc ông Vũ có rút hơn 1.000 tỷ đồng dưới hình thức trả cổ tức hoặc vay mượn thì cũng không ảnh hưởng gì đến dòng tiền hoạt động của Trung Nguyên.