Những năm gần đây, nhiều nhà đầu tư Việt Nam có xu hướng quan tâm đến những thị trường BĐS phát triển chứ không chỉ ở trong nước như thị trường châu Âu, hoặc Úc là một thị trường tiềm năng. Đặc biệt là những người đang có ý định cho con đi du học Úc hoặc mong muốn được định cư tại quốc gia này.
Tuy nhiên, trên thực tế việc rót vốn vào những thị trường này không hề đơn giản như ở Việt Nam mà phải tuân thủ quy trình khá phức tạp, trải qua nhiều bước và đôi khi tồn tại những rủi ro đến từ sự chủ quan của người mua.
Tại hội thảo “Cơ hội xúc tiến thương mại vào thị trường Úc” diễn ra mới đây, nhiều chuyên gia sinh sống và làm việc lâu năm tại đất nước này đã chia sẻ những kinh nghiệm về thủ tục khi mua bán bất động sản tại Úc.
Quy trình đầu tư bất động sản tại Úc diễn ra như thế nào?
Bà Nhan Phúc Huân, Giám đốc công ty New Toyo Việt Nam cho biết việc đầu tư vào thị trường Úc ở thời điểm này không còn quá phức tạp như trước. Tuy nhiên, người mua cũng cần nắm rõ những quy trình pháp lý để tránh vi phạm những quy tắc nghiêm ngặt của Chính phủ nước này.
Cụ thể, quy trình đầu tư bất động sản tại Úc trải qua những bước như sau: Khi nhà đầu tư lựa chọn được dự án thích hợp, luật sư đại diện sẽ thực hiện quy trình xin giấy phép đầu tư từ Hội đồng Giám Định Đầu Tư Nước Ngoài của Úc (Foreign Investment Review Board – FIRB) và tiến hành ký kết hợp đồng mua bán trực tiếp với chủ đầu tư. Tất cả các văn bản pháp lý được ban hành bằng tiếng Anh sẽ được dịch lại bằng tiếng Việt và gửi lại bản gốc cho khách hàng.
Nhiều chuyên gia khuyến cáo việc đầu tư bất động sản tại Úc tuy lợi nhuận hấp dẫn nhưng nếu không nắm rõ quy trình, nhà đầu tư dễ vi phạm những quy tắc chung và bị phạt lên đến 120. 000 USD hoặc thậm chí là mất trắng tiền vốn.
Nhà đầu tư chỉ cần đặt cọc 10% giá trị bất động sản đến tài khoản đảm bảo của luật sư đại diện cho nhà đầu tư, hoặc chuyển vào tài khoản đảm bảo tại ngân hàng Úc. 90% còn lại, kèm theo các chi phí liên quan (thuế trước bạ) sẽ thanh toán khi bàn giao dự án căn hộ hoặc nhà phố.
Riêng với các dự án biệt thự đất nền, nhà đầu tư sẽ thanh toán 90% giá trị đất vào thời điểm bàn giao đất và sau đó tiến hành thanh toán theo tiến độ với 5 giai đoạn được quy định trong hợp đồng xây dựng: móng, khung, trần, nội thất, hoàn thiện.
Sau khi khách hàng hoàn tất thanh toán toàn bộ giá trị bất động sản kèm các chi phí liên quan, chủ đầu tư sẽ tiến hành kiểm tra và bàn giao bất động sản, giấy chủ quyền và chìa khóa cho khách hàng/ đại diện của khách hàng tại Úc. Các bất động sản Úc được bàn giao là nhà hoàn thiện, khách hàng có thể dọn vào ở ngay hoặc tiến hành cho thuê lại.
Theo bà Nhan Phúc Huân, việc mua bán tại Úc rất minh bạch, mọi quy trình đều thông qua luật sư chứ không làm việc trực tiếp với chủ đầu tư như tại Việt Nam. Nếu tuân thủ đủ những quy tắc trên, quá trình mua bán diễn ra thuận lợi và phần lớn là thành công. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp không thành công, đồng nghĩa với việc người mua sẽ phải chấp nhận mất trắng tiền vốn bởi khi tiền đã đóng rồi thì sẽ không được hoàn lại.
Cẩn trọng với những chiêu quảng cáo về cơ hội định cư tại Úc
Ông Lê Thanh Tùng, Giám đốc Công ty Tiến Thịnh International, người có kinh nghiệm 15 năm sinh sống và làm việc tại Úc khuyến cáo giới đầu tư Việt cẩn trọng với những lời mời chào của những công ty kinh doanh bất động sản Úc. Nhiều tờ quảng cáo dùng chiêu thức mời chào kiểu “Khi hợp tác với chúng tôi, bạn sẽ có cơ hội định cư tại Úc”.
Tuy nhiên, ông Tùng khẳng định đây chỉ là những chiêu thức dụ mua hàng của giới kinh doanh. Việc mua bán bất động tại Úc chỉ có thể giúp nhà đầu tư có mức lợi nhuận tốt chứ hoàn toàn không có cơ hội được định cư tại Úc như lời quảng cáo, bởi trên thực tế Luật đất đai và Luật di trú hoàn toàn không liên quan gì đến nhau.
Dù vậy, các chuyên gia vẫn cho lời khuyên rằng đây là khoảng thời gian thích hợp nhất để đầu tư vào xứ sở Kangaroo. Bởi thời điểm này mức giá còn khá mềm nếu rót vốn vào những khu vực cách xa trung tâm khoảng 35-40km. Ngoài ra, Chính phủ cũng đang có nhiều chương trình hỗ trợ những kế hoạch xúc tiến thương mại, kết nối giao thương giữa 2 nước.
Ông Phan Hùng Dũng, Chủ tịch HĐQT Fiore group cho biết, tiềm năng hợp tác kinh doanh, đầu tư giữa Việt Nam và Úc còn rất lớn. Hiện nay có những yếu tố thuận lợi để đẩy mạnh quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước trong thời gian tới. Sáu tháng đầu năm 2019 kim ngạch xuất khẩu hai chiều giữa Việt Nam và Úc đã tăng gần 30%.
Cũng theo ông Dũng, trong chuyến viếng thăm Việt Nam của Thủ tướng Úc cuối tháng 8/2019 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Úc Scott Morrison đã nhất trí sẽ gỡ bỏ các rào cản thương mại, tiếp tục có chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp hai nước đầu tư vào mỗi nước, phấn đấu nâng kim ngạch hàng hóa lên 10 tỷ USD vào năm 2020. Đây là cơ hội cho doanh nghiệp hai nước và cho doanh nghiệp thành viên của CLB DNSG. Chương trình xúc tiến thương mại Việt Nam và Úc là một hoạt động trong tâm trong năm 2020 của CLB.
Úc là thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (gọi tắt là Hiệp định CPTPP). Đối với Việt Nam, Hiệp định có hiệu lực từ ngày 14/1/2019 và được kỳ vọng sẽ đem lại nhiều lợi ích và cơ hội cho Việt Nam, trong đó đáng chú ý là các lợi ích và cơ hội cho hoạt động xuất khẩu, tham gia chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu…