Pyn Elite Fund vừa công bố báo cáo hoạt động tháng 4 với nhiều điểm đáng chú ý. Theo báo cáo, trong tháng 4 vừa qua, hiệu suất danh mục Pyn Elite Fund tăng nhẹ 0,65%, được hỗ trợ bởi VN Diamond ETF (+10%), MBB (+8%), HDB (+3%). Trong khi đó, VN-Index tăng 4% với sự dẫn dắt bởi NVL (+63%), VIC (+11%), HPG (+24%).
Trong các cổ phiếu lớn nhất mà Pyn Elite Fund nắm giữ, VEA giảm 7,5% so với tháng trước do doanh số bán ô tô phục hồi chậm, trong khi các ngân hàng có hiệu suất thấp hơn Index. Quỹ cũng không sở hữu cổ phần VIC hay cổ phiếu có tính chu kỳ như HPG, những cái tên đã tác động lớn tới VN-Index. Đây là nguyên nhân quan trọng khiến hiệu suất danh mục Pyn Elite Fund kém hơn VN-Index.
Tại thời điểm cuối tháng 4, quy mô danh mục Pyn Elite Fund đạt 638,1 triệu Euro (khoảng 772 triệu USD). Trong đó, VHM tiếp tục là cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất với 13,6%. Chứng chỉ VN Diamond ETF chiếm tỷ trọng lớn thứ 2 với 10,3%. Trong tháng, VN Diamond ETF cũng là chứng khoán tăng mạnh nhất trong danh mục quỹ.
Các cổ phiếu ngân hàng cũng chiếm tỷ trọng lớn trong danh mục quỹ với những cái tên như MBB (9,6%), HDB (9,3%), TPB (8,9%), CTG (8,7%).
Top 10 khoản đầu tư lớn nhất của Pyn Elite Fund
Với VRE, Pyn Elite Fund cho biết lượng tham quan và doanh số bán lẻ đã hồi phục nhanh chóng sau đại dịch nhờ vào các chiến lược tiếp thị hiệu quả và chính sách hỗ trợ khách thuê mặt bằng. Trong Q1/2021, VRE đã công bố lợi nhuận ròng tăng trưởng mạnh hơn dự kiến là 59% YoY. VRE có kế hoạch mở rộng mặt bằng cho thuê thêm 2,5 lần vào năm 2026. Pyn Elite Fund cho rằng việc áp dụng chuẩn báo cáo tài chính IFRS dự kiến vào năm 2023 – 2024 sẽ giúp lợi nhuận ròng của VRE sẽ tăng mạnh và khi đó định giá VRE sẽ trở nên hấp dẫn. VRE hiện là cổ phiếu lớn thứ 8 trong danh mục Pyn Elite Fund với tỷ trọng 8%.
Cũng theo Pyn Elite Fund, tình hình vĩ mô tháng 4 Việt Nam tiếp tục cho thấy sự vững chắc. PMI tăng tháng thứ 3 liên tiếp lên 54,7 điểm, cho thấy sự cải thiện mạnh trong lĩnh vực sản xuất kể từ tháng 11/2018. Doanh số bán lẻ tang 30,9% so với cùng kỳ năm trước, CPI tăng 1,27% từ đầu năm, giải ngân đầu tư công tăng 23,9% so với cùng kỳ năm trước. Vốn FDI đăng ký trong 4 tháng đầu năm đạt 12,3 tỷ USD (+0,7% so với cùng kỳ 2020).
Mặc dù dịch Covid-19 một lần nữa trở lại Việt Nam trong tháng 4, nhưng Chính phủ đã nhanh chóng hành động để làm ổn định tình hình.